Khủng hoảng S-400 chưa kết thúc, Su-35 của Nga lại tranh thủ "cám dỗ" đồng minh Mỹ?

Mạnh Kiên |

Mỹ tiếp tục dọa nạt đồng minh vì vấn đề mua vũ khí Nga. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy lời đe dọa của Mỹ khiến các quốc gia này lùi bước.

Mỹ thử thái độ đồng minh?

Bất chấp đe dọa trừng phạt từ Mỹ, Ai Cập thông báo sẽ nhận hai máy bay chiến đấu Su-35 của Nga vào đầu năm 2020 như một phần của thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD đã ký vào đầu năm nay.

Expert Magazine, tạp chí chuyên về kinh doanh của Nga cho biết, quá trình giao cặp chiến đấu cơ đầu tiên dự kiến ​​diễn ra vào đầu năm tới. Hợp đồng bao gồm ước tính chuyển giao hơn hai chục máy bay.

Trong khi đó, Washington đang tìm cách cản trở thỏa thuận này. Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã lên tiếng cảnh báo Ai Cập về quyết định mua Su-35.

Phía Mỹ đe dọa, các thỏa thuận vũ khí mới với Nga, dù là ở mức hạn chế nhất, cũng sẽ làm phức tạp các giao dịch quốc phòng của Mỹ trong tương lai và hỗ trợ an ninh cho Ai Cập.

Các quan chức Mỹ cảnh báo rằng Ai Cập có nguy cơ bị trừng phạt tương tự như các quốc gia đồng minh khác mua vũ khí từ Nga.

Các nhà chức trách Ai Cập hiện không đưa ra bất kỳ câu trả lời nào đối với các cảnh báo của Mỹ. Tuy nhiên, một quan chức Ai Cập giấu tên đã thể hiện sự cứng rắn trong thương vụ với Nga.

"Ai Cập là một quốc gia độc lập không nhận lệnh từ bất kỳ quốc gia nào khác liên quan đến chính sách đối nội và đối ngoại của mình", nhân vật này nói với tờ Daily News Egypt.

Quan chức giấu tên nhấn mạnh, cảnh báo của Mỹ là vô nghĩa và không nên được thực hiện một cách nghiêm túc, đồng thời cho biết thỏa thuận với Nga đang được tiến hành và sẽ không dừng lại trong bất kỳ trường hợp nào.

Bình luận về tranh cãi mới, một số nhà quan sát tin rằng cảnh báo của chính quyền Mỹ thực chất được đưa ra để thăm dò thái độ của Ai Cập.

"Cảnh báo của Mỹ rất rõ ràng: Thỏa thuận nên bị đình chỉ; Mỹ sẽ không cho phép thỏa thuận được thực thi và sẽ tìm cách hủy bỏ bằng mọi cách có thể, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp trừng phạt quân sự và kinh tế trong trường hợp Ai Cập không lùi bước", Thiếu tướng Gamal Mazloum, một chuyên gia quân sự từ Học viện Quân sự Nasser, nói với Al-Monitor.

Tuy nhiên, chuyên gia Mazloum lưu ý rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga trong năm nay bất chấp các cảnh báo từ Mỹ. Và cho đến nay, Mỹ vẫn chưa biến lời đe dọa của mình thành hiện thực.

Vì sao Mỹ không dám trừng phạt Ai Cập?

Khủng hoảng S-400 chưa kết thúc, Su-35 của Nga lại tranh thủ cám dỗ đồng minh Mỹ? - Ảnh 2.

Mỹ là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ai Cập.

Kể từ khi ký Hiệp ước Hòa bình Ai Cập - Israel năm 1979, viện trợ quân sự và viện trợ kinh tế của Mỹ cho Ai Cập đã lên tới 2,1 tỷ USD mỗi năm, bao gồm 815 triệu USD viện trợ kinh tế và 1,3 tỷ USD viện trợ quân sự. Viện trợ của Mỹ cho Ai Cập chiếm 57% tổng số tiền tài trợ của Ai Cập.

Đặc biệt hơn, các khoản đầu tư của Mỹ vào Ai Cập đã vượt quá 22 tỷ USD vào năm 2019, tăng khoảng 26% so với năm 2017. Chính vì vậy, việc mất các khoản đầu tư của Mỹ sẽ làm suy yếu nền kinh tế Ai Cập.

Hiện tại, tình hình kinh tế của Ai Cập không được khả quan. Khủng hoảng kinh tế đã nổ ra ở đất nước này trong nhiều năm, khiến Cairo phải vay 12 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Bình luận về khả năng chống chịu trước áp lực của Ai Cập, chuyên gia Mazloum giải thích rằng chính quyền hiện tại nhận thức rõ về sự cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn vũ khí của mình, vì sợ Mỹ ngày càng ảnh hưởng nhiều đến quyền quyết định nội bộ của Ai Cập.

Năm 2013, chính quyền Mỹ đã đóng băng một số viện trợ quân sự cho Ai Cập vì cáo buộc về cái gọi là chính quyền đàn áp người biểu tình. Chính vì vậy, Ai Cập được cho là nên tiếp tục nỗ lực hoàn thành thỏa thuận với Nga bằng bất cứ giá nào.

Nói với Al-Monitor, Thiếu tướng Nasr Salem, cựu lãnh đạo Cơ quan Trinh sát và Tình báo Quân đội Ai Cập, đã loại trừ khả năng áp lực của Mỹ sẽ leo thang đến mức cắt đứt quan hệ với Ai Cập.

Ông nói rằng Mỹ sẽ tự làm tổn thương chính mình nếu hợp tác Mỹ-Ai Cập bị dừng lại ở một khu vực vốn nhiều rắc rối như Trung Đông. Điều này đặc biệt quan trọng vì Ai Cập là một quốc gia ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trong khu vực.

Nói với RT vào ngày 18/11, nhà phân tích chính trị Mac Sharkawy cũng đồng tình rằng, Washington sẽ chỉ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Ai Cập sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về vai trò của đồng minh.

Trên thực tế, Cairo nắm trong tay nhiều "chìa khóa" mà Washington cần, như các cuộc đàm phán với Hamas và các thế lực khác ở Palestine.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổ chức Công lý và Phát triển ở Trung Đông và Bắc Phi Zaidan al-Qanai tin rằng, Washington sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Ai Cập, nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ với Cairo. Ông nói rằng cuộc chiến chống khủng bố ở Sinai cũng là một lợi ích đối với Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại