Khủng hoảng nơi “thiên đường hạ giới”: Điều gì đang xảy ra ở Maldives?

Quốc Vinh |

Được biết đến là khu du lịch ưa thích của giới thượng lưu, Maldives giờ đây lâm vào tình cảnh bất ổn khiến các nước khuyên công dân không nên lui tới.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở "đảo quốc thiên đường" Maldives bất ngờ nổ ra trong tuần này, khi Tổng thống Abdulla Yameen tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh bắt giữ thẩm phán tối cao và một cựu Tổng thống. Phản ứng gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Yameen được đưa ra sau khi Tòa án Tối cao nước này ra lệnh phóng thích các chính trị gia thuộc phe đối lập. Điều gì đang xảy ra ở "thiên đường hạ giới" này?

Lên nắm quyền từ năm 2013, Tổng thống Yameen đã liên tục có những chính sách mạnh tay với phe bất đồng chính kiến. Ông đã bắt giam gần như toàn bộ các nhân vật cộm cán thuộc phe đối lập chính trị.

Maldives rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi Tổng thống Yameen từ chối tuân theo phán quyết của Tòa án Tối cao hôm 1/2, trong đó trả tự do cho 9 nhà đấu tranh dân chủ và khôi phục lại ghế cho 12 nghị sĩ bị sa thải vì đào ngũ khỏi đảng của ông Yameen.

Hành động chống đối của chính quyền Yameen xuất phát từ nguy cơ phán quyết của Tòa án Tối cao, nếu được thực thi sẽ cho phép phe đối lập chiếm đa số nghị viện và đủ quyền buộc tội Tổng thống.

Hôm 5/2, chính quyềnYameen cử binh lính đến vây ráp tại tòa án và bắt giữ thẩm phán cùng với cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom Yameen – anh cùng cha khác mẹ của Tổng thống Yameen, người gần đây đã đứng về phía phe đối lập. Hàng trăm người dân đã tụ tập bên ngoài khu phức hợp tòa án để phản đối và cảnh sát đã dùng bình xịt hơi cay để giải tán đám đông.

Trong một diễn biến có lợi cho Tổng thống Yameen, người đứng đầu lực lượng vũ trang Maldives đã cho thấy lập trường công khai ủng hộ nhân vật này.

"Quân đội Maldives sẽ không ngồi im để Maldives rơi vào một cuộc khủng hoảng", Tư lệnh quân đội Ahmed Shiyam nói hôm 4/2, tuyên bố ông sẽ không tuân theo "yêu cầu trái pháp luật" từ Tòa án Tối cao.

Bên cạnh đó, với quan hệ được xây dựng trong suốt thời gian cầm quyền, Tổng thống Yameen đang tìm kiếm sự ủng hộ từ Trung Quốc và Saudi Arabia khi cả hai quốc gia này đều đầu tư mạnh vào quần đảo du lịch nhỏ ở Ấn Độ Dương. Giới quan sát nhận định ông Yameen đang có đủ vị thế vững chắc để vượt qua cơn bão hiện tại.

Khủng hoảng nơi “thiên đường hạ giới”: Điều gì đang xảy ra ở Maldives? - Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed

Phán quyết của Tòa án Tối cao cũng xóa bỏ mọi tội danh và mở đường cho cựu Tổng thống Mohamed Nasheed - vị lãnh đạo dân cử đầu tiên của Maldives từng gây tranh cãi vì bị kết tội khủng bố vào năm 2015 – hiện đang sống lưu vong, trở lại tranh cử trong năm nay và trở thành đối thủ chính của ông Yameen.

Cựu Tổng thống Mohamed Nasheed đã kêu gọi người dân Maldives không tuân thủ lệnh mà ông gọi là một "lệnh phi pháp". Ông cũng nói những biến cố vừa qua là một âm mưu đảo chính, kêu gọi Tổng thống Yameen từ chức và lực lượng an ninh phải bảo vệ hiến pháp và nhân dân Maldives.

Ông Nasheed trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên của Maldives vào năm 2008 và nhanh chóng trở thành một nhân vật nổi tiếng trên trường quốc tế vì lời khẩn cầu các quốc gia cùng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Đảo quốc này bắt đầu rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị âm ỉ kể từ khi Tổng thống đương nhiệm Yameen giành thắng lợi gây tranh cãi trước ông Nasheed trong cuộc bầu cử 2013.

Trong thời gian nắm quyền, "Tổng thống Yameen muốn loại bỏ liên minh cầm quyền một cách có hệ thống và bỏ tù các chính khách đối lập; tước quyền bầu nghị sĩ Quốc hội và quyền đại diện cử tri của họ; sửa đổi luật để làm xói mòn quyền con người và sa thải bất cứ ai chống đối", một báo cáo của bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá.

Những căng thẳng trong một tuần qua đã làm tổn thương ngành du lịch - lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế đảo quốc Maldives - bất chấp sự bảo đảm của Chính phủ nước này về việc du khách sẽ được an toàn. Trung Quốc – quốc gia chiếm phần lớn số khách du lịch đến Maldives - và nước láng giềng Ấn Độ đã cảnh báo công dân nên hoãn tất cả các chuyến du lịch không cần thiết. Anh và Mỹ cũng khuyên công dân nên thận trọng khi đến Thủ đô Male.

Trong năm 2015, khi Chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì lo ngại về chủ nghĩa khủng bố, số khách du lịch đến đảo quốc giảm mạnh khiến tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn. Có khoảng 1,4 triệu khách nước ngoài đến thăm Maldives vào năm 2017, tăng so với 1,28 triệu của năm trước.

Cựu Tổng thống Nasheed cho biết, ông sẽ chạy đua một lần nữa vào chiếc ghế Tổng thống trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm nay và kêu gọi Ấn Độ can thiệp.

Tổng thống Yameen trước đây đã phải đối mặt với nhiều vụ phản đối không thành trong việc buộc tội ông tham nhũng. Các nghị sĩ đối lập cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực lên chính quyền Yameen. Hiện Liên Hợp Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Chính phủ nhiều nước đã kêu gọi chính quyền Maldives tôn trọng phán quyết của Tòa án tối cao. Hôm 8/2, Một phái đoàn ngoại giao châu Âu đến Thủ đô Maldives để trực tiếp đối thoại với Tổng thống Abdulla Yameen, tuy nhiên đã bị lãnh đạo đảo quốc này từ chối tiếp đón.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại