Khủng hoảng ngoại giao Trung Đông đang tạo ra cơ hội kiếm tiền cho châu Á

Trung Mến |

Châu Á được cho là sẽ hưởng lợi không ít khi Qatar muốn tìm kiếm thêm đối tác thương mại trong bối cảnh quan hệ Qatar và vùng Vịnh đóng băng.

Việc chính phủ nhiều nước thuộc thế giới Hồi giáo tẩy chay Qatar đã khiến nước này phải điều chỉnh lại quan hệ thương mại, đa dạng hóa nguồn cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tạo ra nhiều mối liên minh mới và thay đổi chiến lược hoạt động hãng hàng không quốc gia của nước này là Qatar Airways.

Saudi Arabia và UAE cho đến nay chưa hề phát đi tín hiệu nào về việc sẽ chấp thuận thỏa hiệp để giảm bớt đi những yêu cầu buộc Qatar phải tuân thủ, tuy nhiên họ cũng đã cố gắng tránh việc khiến căng thẳng leo thang bằng việc không ép bên thứ ba phải chọn lựa một trong hai bên, hoặc Qatar hoặc các nước Arab còn lại.

Vào tháng Sáu, đại sứ UAE tại Nga, ông Omar Ghobash, từng nói: “Chúng tôi đang cân nhắc về một số lệnh trừng phạt kinh tế. Một trong số đó có thể là yêu cầu đối tác thương mại rằng hoặc bạn sẽ làm việc với tôi, hoặc bạn sẽ làm việc với Qatar và phải chọn chỉ một trong hai.”

Tuyên bố là vậy nhưng sáu tháng sau đó, UAE và Saudi Arabia vẫn chưa hành động như vậy, chính vì thế Qatar vẫn có cơ hội kinh doanh, với những thay đổi mới về định hướng, chắc chắn Qatar sẽ không còn phụ thuộc quá nhiều vào những nước láng giềng.

Ví như trong ngành thực phẩm, khi Saudi Arabia cấm xuất khẩu thực phẩm và các loại sản phẩm sữa sang Qatar, lập tức Thổ Nhĩ Kỳ và Iran lấp vào khoảng trống nhà cung cấp. Với việc nhập khẩu 4.000 con bò, Qatar đã cố gắng đạt được sự tự chủ khoảng 30% các sản phẩm sữa. Cùng lúc đó, Qatar nhanh chóng tìm nguồn thực phẩm nhập khẩu từ một số nước châu Á.

Bị nhiều nước thế giới Arab tẩy chay, hãng hàng không quốc gia Qatar, hãng hàng không lớn thứ hai tại khu vực Trung Đông, mất đến 20 điểm đến. Qatar Airways chính vì vậy đang cố gắng để mở rộng mạng lưới các chuyến bay đồng thời mua thêm cổ phần tại nhiều hãng hàng không khác để tìm kiếm lợi nhuận.

Châu Á - Thái Bình Dương sẽ được coi như thị trường mục tiêu của Qatar Airways. Qatar Airways dự kiến sẽ tăng cường các chuyến bay đến thành phố Canberra của Australia, Chiang Mai và Utapao của Thái Lan, thành phố Chittagong ở Bangladesh trong năm tới. Khi giao thông đường không thuận lợi hơn, chắc chắn sẽ thêm cơ hội khai thác thị trường mới để kiếm lợi nhuận cho các nước châu Á.

Hãng cũng công bố kế hoạch đầy tham vọng thâm nhập vào thị trường hàng không Ấn Độ. Trước đó, Qatar Airways tuyên bố đã hoàn tất việc thâu tóm 9,61% cổ phần tại hãng hàng không Cathay Pacific với tổng số vốn đầu tư 662 triệu USD.

Tác động của cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước vùng Vịnh sẽ còn kéo dài, không dễ để thay đổi nó trong một sớm một chiều. Tuy nhiên cùng lúc đó nó lại đang tạo ra cơ hội cho nhiều nước châu Á.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại