Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên: Châu Âu đứng ở vị trí nào?

Thu Hoài |

Về mặt chiến lược, cả chính trị và kinh tế, khủng hoảng Triều Tiên liên quan mật thiết đến quyền lợi của Liên minh châu Âu.

Bán đảo Triều Tiên không ngừng nóng lên những ngày qua, khi những cảnh báo chiến tranh liên tiếp được cả phía Mỹ và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đưa ra.

Không còn mang tính chu kỳ nữa, cuộc khủng hoảng liên quan chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã bị đẩy lên một nấc thang mới, không còn là câu chuyện của riêng bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á hay những nước liên quan trực tiếp tới đàm phán 6 bên.

Phát biểu tại thủ đô Washington, Mỹ, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha mới đây kêu gọi Triều Tiên sớm hồi đáp lời kêu gọi của Chính phủ Hàn Quốc tiến hành các cuộc đàm phán giữa hai miền nhằm giảm căng thẳng.

Bà cũng lưu ý trong quá trình giải quyết vấn đề, Triều Tiên không nên cường điệu quá mức về tầm quan trọng của sự phối hợp Mỹ - Hàn: “Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ tiếp tục các hành vi khiêu khích và trong bối cảnh này, Mỹ và Hàn Quốc cần cùng nhau kiểm soát tình hình nhằm tránh một sự leo thang căng thẳng mới hay nguy cơ đụng độ quân sự.

Không thể đẩy bản đảo Triều Tiên vào một cuộc chiến tranh, bởi những hậu quả của nó là tàn khốc không chỉ đối với khu vực Đông Bắc Á hay châu Âu mà toàn thể cộng đồng quốc tế. Nếu nhìn vào những tuyên bố của Triều Tiên thì có thể thấy vẫn còn cơ hội cho giải pháp ngoại giao.”

Tuyên bố của Ngoại trưởng Hàn Quốc đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến ngôn từ giữa Mỹ và Triều Tiên không ngừng bị đẩy lên cao thời gian qua, đặt bán đảo Triều Tiên trong tình trạng cảnh báo an ninh cao nhất trong nhiều năm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên khi phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Đáp lại, Triều Tiên khẳng định đây là một “lời tuyên chiến” và nước này có quyền đưa ra biện pháp đáp trả, gồm việc bắn hạ máy bay ném bom của Mỹ ngay cả khi không ở trong không phận Triều Tiên.

Trong một động thái mới nhất, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, Triều Tiên đã điều máy bay và tăng cường phòng thủ tại bờ biển phía Đông sau khi Mỹ điều máy bay ném bom B-1B tới Bán đảo Triều Tiên hồi cuối tuần trước.

Không chỉ những nước liên quan trực tiếp tới đàm phán 6 bên, thời gian qua cũng chứng kiến sự tham dự ngày càng nhiều của các cường quốc phương Tây trong vấn đề này, trong đó phải kể đến vai trò của Liên minh châu Âu.

Phát biểu nhân dịp tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 72 đang diễn ra tại thành phố New York, Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, trừng phạt là giải pháp duy nhất cho vấn đề Triều Tiên.

Tổng thống Macron khẳng định, ông phản đối biện pháp quân sự do cho rằng nó sẽ dẫn đến sự hủy diệt trên bán đảo Triều Tiên mà “tuyệt đối cần phải tránh”.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tán thành quan điểm rằng giải pháp duy nhất cho vấn đề Triều Tiên là "hòa bình và ngoại giao". Thủ tướng Merkel khẳng định sẽ sử dụng “mọi sức mạnh” để tìm kiếm một giải pháp để không dẫn đến kịch bản xấu hơn.

“Tôi muốn đảm bảo rằng, ở bất kỳ nơi nào có thể Đức sẽ thúc đẩy các giải pháp ngoại giao. Tôi muốn nhấn mạnh điều này nhất là trong bối cảnh những căng thẳng gia tăng liên quan các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để chấm dứt cuộc xung đột này theo con đường ngoại giao. Mọi giải pháp quân sự đều sẽ dẫn đến tai họa và đó là lý do tại sao tôi sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy đối thoại và nỗ lực vì một thế giới an toàn hơn.”

Không khó để nhận ra tham vọng của Liên minh châu Âu muốn đóng vai trò trong cuộc khủng hoảng được xem là nóng nhất hiện nay trên thế giới, trong bối cảnh những cuộc khủng hoảng nội bộ đang khiến uy tín của liên minh này bị lung lay hơn bao giờ hết trong lịch sử 60 năm tồn tại của mình.

Cần phải nhắc lại rằng, trên con đường tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng liên quan tới Chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, người ta thường chỉ tập trung vào những nước tham gia đàm phán 6 bên là Trung Quốc, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Vai trò của châu Âu hiếm khi được nhắc tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mọi nỗ lực khôi phục đàm phán 6 bên đều không đạt kết quả và cuộc chiến ngôn từ giữa Mỹ và Triều Tiên không ngừng bị đẩy lên cao, thì người ta lại bắt đầu nói nhiều hơn tới châu Âu và thực tế là Liên minh châu Âu cũng không hề nằm ngoài cuộc khủng hoảng.

Thứ nhất, với nhịp độ phát triển của tên lửa Triều Tiên từ năm 2012 đến nay, có rất nhiều khả năng lục địa châu Âu sẽ sớm nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Thứ 2, việc Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước Không Phổ Biến Vũ khí Hạt nhân (TNP) (năm 2003) trực tiếp gây tổn hại đến chiến lược chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên minh châu Âu.

Và thứ ba là cuộc xung đột Đông Bắc Á nếu bùng nổ sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế châu Âu, bởi trao đổi thương mại với các quốc gia trực tiếp liên quan trong cuộc khủng hoảng này chiếm đến 45% tổng trao đổi thương mại của châu Âu.

Vì thế, có thể nói, về mặt chiến lược, chính trị và kinh tế, khủng hoảng Triều Tiên liên quan mật thiết đến quyền lợi của Liên minh châu Âu. Hơn nữa, kể từ năm 2001, Liên minh châu Âu đã duy trì nhiều quan hệ ngoại giao chính thức với Triều Tiên, với hơn 10 cuộc đối thoại chính trị đã được tổ chức giữa hai bên.

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu cũng có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, với 7 Đại sứ quán, trong đó có Đức và Anh. Theo các nhà phân tích, với sự liên quan này, Liên minh châu Âu hoàn toàn có thể trở thành một kênh truyền thông giúp làm giảm căng thẳng, một khi được kích hoạt.

Tuy nhiên, cũng giống như Mỹ hay Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu cũng cần ý thức được rằng, không nên đặt "phi hạt nhân hóa như "một mục tiêu ngắn hạn", hay "một điều kiện tiên quyết" cho việc khởi động đàm phán. Ngược lại, các nhà ngoại giao có thể nhắm đến việc tạo lập một không gian đối thoại, để có cơ sở thảo luận về khuôn khổ của các đàm phán tương lai./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại