Trong lúc ông chủ Nhà Trắng gọi cuộc gặp diễn ra tốt đẹp và hữu ích, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy thậm chí còn nói đến khả năng đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công vào cuối tuần này để ngăn nguy cơ nước Mỹ sắp vỡ nợ.
Chuyện Mỹ vỡ nợ chưa từng xảy ra và nguy cơ vỡ nợ đe dọa đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào khủng hoảng. Trước đó, Bộ Tài chính đã gia tăng áp lực lên các bên liên quan về việc nhanh chóng tìm được tiếng nói chung bằng cảnh báo chính phủ có thể hết tiền thanh toán các hóa đơn vào ngày 1-6 nếu trần nợ công (hiện ở mức 31.400 tỉ USD) không được nâng lên.
Dù lạc quan nhưng hai bên vẫn còn khoảng cách khá xa về lập trường. Hạ viện Mỹ, hiện do Đảng Cộng hòa kiểm soát, hồi cuối tháng 4 thông qua dự luật nâng trần nợ công nhưng kèm theo là một loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu trong thập kỷ tới.
Tuy nhiên, dự luật này không có cơ hội qua được ải Thượng viện, hiện trong tay Đảng Dân chủ. Các cuộc đàm phán về vấn đề này cho đến giờ vẫn chưa đạt tiến triển dù thời gian đang cạn dần.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (trái) tại cuộc gặp ở Nhà Trắng hôm 16-5. Ảnh: Reuters
Để tránh kịch bản xấu xảy ra, ông Biden buộc phải rút ngắn chuyến công du châu Á sắp tới để có thêm thời gian gặp các lãnh đạo quốc hội. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) tại Nhật Bản từ ngày 19 đến 21-5 rồi trở về nước, không đến Úc và Papua New Guinea như kế hoạch ban đầu.
"Tổng thống phải ưu tiên vấn đề thanh toán tài chính của Mỹ hơn là công du nước ngoài. Ai hiểu về chính trị Mỹ sẽ hiểu quyết định của ông ấy (Biden)" - ông Patrick Cronin, chuyên gia tại Viện Hudson (Mỹ), giải thích.
Dù vậy, giới phân tích nhận định bằng cách tập trung xử lý các vấn đề ưu tiên trong nước, quyết định trên có thể tác động tiêu cực đến uy tín của Mỹ ở nước ngoài, nhất là nỗ lực xác lập vai trò lãnh đạo toàn cầu trong dài hạn.
Ông Zack Cooper, chuyên gia của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định thêm rằng việc cắt ngắn lịch trình công du nói trên của ông Biden phát đi thông điệp các nước G7 "được ưu tiên hơn" nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Diễn biến trên cũng nêu bật thách thức dài hạn hơn đối với ông Biden và nước Mỹ nói chung: Sự chia rẽ trong nước đang gây hại cho họ ở nước ngoài, từ đó "tạo ra khoảng trống nơi những người khác có thể bước vào". Các chính phủ trước đây của Mỹ cũng phải đối mặt nhiều thách thức khi tìm cách xem khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại.
Giờ đây, ông Cronin cảnh báo một số sáng kiến được đánh giá cao của Washington, nhất là tại châu Á - Thái Bình Dương và liên quan đến nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc) có nguy cơ gặp trở ngại dưới thời Tổng thống Biden.