Sân nhà của cô Kathleen Murray có khung cảnh giống như bề mặt mặt trăng: những miệng hố do các loài gặm nhấm đào lên, những búi cỏ khô và những cái cây đáng thương héo úa dưới ánh mặt trời. Nhưng cô Murray tự hào vì là người chiến thắng cuộc thi Khu vườn xấu nhất Thế giới lần đầu tiên được tổ chức nhằm khuyến khích việc làm vườn tiết kiệm nước, thân thiện với môi trường, được mở rộng ra toàn cầu.
Sân vườn của cô Murray ở bang Tasmania (Úc), đã đánh bại các bãi cỏ khô cằn khác ở Đức, Pháp, Canada, Croatia, Thụy Điển, Mỹ và Anh. “Tôi thấy khá là kinh ngạc. Bọn chuột chũi thích đào bới - đó là cách chúng tìm thức ăn cho mình. Bây giờ sân sau của tôi trông giống như một sở thú vậy. Tôi cũng có một con nhím và một số con gà”, cô Murray nói.
Cô Murray sống ở khu vực không có nguồn nước chính, nên nước mưa thu được trong bể chứa quá quý giá. Nếu cô và bốn đứa con hết nước vào mùa hè, họ có thể phải chờ hai tuần trước khi xe tải chở nước xuất hiện. “Tôi từng nghĩ lũ chuột gặm nhấm đang xâm chiếm bãi cỏ của tôi, nhưng bây giờ tôi nhận ra chúng thực chất đang cắt cỏ giúp tôi. Tôi hoàn toàn nhàn rỗi những ngày cuối tuần, đặc biệt kể từ khi chồng cũ của tôi cầm cái máy cắt cỏ đi vào năm 2016”, cô Murray nói.
Cuộc thi bắt đầu tại Gotland, Thụy Điển hai năm trước, sau khi hòn đảo nghỉ mát nổi tiếng này bị mất nước trong vài giờ vào mùa hè trước đó. Cuộc thi sớm trở thành tin tức toàn cầu và lượng nước tiêu thụ ở Gotland đã giảm 5% nhờ nó và các biện pháp khác. “Đó là cách tốt để thúc đẩy mọi người hành động và nó sẽ tự động biến bạn thành anh hùng khí hậu bằng cách… không làm gì cả. Chúng ta cần bắt đầu thảo luận về cách tiết kiệm nước. Đó là vấn đề toàn cầu…”, cư dân Mimmi Gibson của thành phố cho biết.
Trước đây, cô Murray đã bỏ qua những lời chỉ trích về khu vườn của cô và giờ đây cô rất vui khi nói về sự đa dạng sinh học nhờ vào phong cách làm vườn thoải mái của mình. Thằn lằn lưỡi xanh, kangaroo và chuột túi wallaby đều ghé thăm sân vườn từ khu bảo tồn thiên nhiên lân cận. “Tôi quyết định biến khu vườn của mình thành một phần mở rộng của khu bảo tồn thiên nhiên nằm ngay bên cạnh. Đó là một lý do khác để tôi không tưới nước cho bãi cỏ của mình. Bạn sẽ không tưới nước cho một ngọn núi, nó biết tự chăm sóc bản thân thôi”.
Ban giám khảo đã mất gần hai tiếng để đưa ra phán quyết về bãi cỏ xấu nhất. “Tất cả đều xấu xí và xứng đáng giành chiến thắng, nhưng giải nhất trông thực sự rất tệ”, bà Gibson nói. Ông Diarmuid Gavin, nhà thiết kế sân vườn và phát thanh viên, đồng thời là thành viên ban giám khảo cho biết, đây là cuộc thi kỳ lạ nhất mà ông được yêu cầu làm giám khảo. Tuy nhiên, ông hy vọng nó sẽ khuyến khích mọi người từ bỏ bãi cỏ xanh rờn và tạo ra những khu vườn phù hợp với khí hậu.
“Việc nhìn thấy một bãi cỏ như thế này ở Tasmania và tự hỏi tại sao lại có giải thưởng cho khu vườn xấu nhất thế giới, thực sự khiến mọi người phải suy nghĩ mà không cần phải giảng giải hay chỉ trích. Khu vườn Tasmania rất có hồn vì nó hiểu được những gì đang xảy ra. Nếu chúng ta đủ may mắn để chăm sóc một mảnh đất, thì tất cả chúng ta đều cần phải là những người làm vườn biết suy nghĩ. Điều quan trọng bây giờ không phải là không làm hàng xóm láng giềng thất vọng, mà là không để hành tinh này thất vọng”, ông nói.
“Bạn có quyền lựa chọn - bạn muốn nông dân có đủ nước để sản xuất lương thực cho dân số ngày càng tăng, hay bạn muốn cạnh tranh với hàng xóm của mình về bãi cỏ của ai xanh hơn? Tôi rất vui khi thấy những sinh vật nhỏ bé này giờ đây cảm thấy đủ an toàn để vào sân sau của tôi - chúng được ngụy trang, chúng có những khu vực đào bới vui vẻ. Tôi cảm thấy bình yên khi biết rằng tôi đang đóng một vai trò giúp đỡ, cho dù nó nhỏ đến thế nào đi chăng nữa”, cô Murray nói thêm.