Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định 423/QĐ-TTg phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Theo đó, lô đất rộng 35 ha tại phường Xuân La (quận Tây Hồ) và phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc. Khu đất này rộng gấp 3 lần hồ Hoàn Kiếm, có vị trí đắc địa khi giáp trục các trục đường lớn như Võ Chí Công, vành đai 2,; gần siêu đô thị Starlake.
Với mặt bằng giá đất 300 triệu - 400 triệu đồng/m2 thì riêng giá trị lô đất đã khoảng 105.000 đến 140.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,5 đến 6 tỷ USD. Cách đó khoảng 100 m, Samsung vừa xây dựng trung tâm R&D trên khu đất rộng 1,16 ha với tổng mức đầu tư 220 triệu USD.
Các công trình trụ sở được xây dựng thống nhất chiều cao 12 - 25 tầng. Các khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-24 tầng. Chỉ giới xây dựng lùi so với mặt đường chính là 20 m.
Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở bản thiết kế mang tên “Dải ngân hà xanh Thăng Long", đã từng giành giải A trong cuộc thi tuyển ý tưởng thiết kế do bộ Xây dựng tổ chức. Toàn bộ khu vực được kết nối thông qua “một dải lụa xanh" mềm mại là khu vực công viên trải dài từ khu bảo tàng lịch sử ở phía Tây cho đến Nhà hát Thăng Long ở phía Đông.
Trục không gian xanh sẽ trở thành phố đi bộ, thu hút không chỉ cán bộ viên chức mà còn cả người dân, du khách đến tham quan. Dọc trục xanh có các quảng trường như: Quảng trường Dân chủ được bao bọc trong trụ sở cơ quan các bộ ban ngành; Quảng trường Sân ga được bao bọc bởi các tổ hợp bán lẻ, khách sạn và các công trình văn hóa, công cộng; Quảng trường gia đình, Quảng trường văn hóa, Quảng trường Lối vào được bao quanh bởi khu bán lẻ.
Tổng diện tích xây dựng của các cơ quan, trụ sở là 14,3 ha, chiếm 41% diện tích khu đất. Trụ sở cơ quan mỗi bộ, ngành sẽ được bố trí trên một toà nhà riêng biệt. Mỗi toà nhà sẽ có 2 phần: Khối đế là sảnh, phòng họp, căng tin, không gian cây xanh được thiết kế giật cấp theo kiểu ruộng bậc thang. Khối tháp là nơi đặt văn phòng làm việc. Dự kiến, sẽ có khoảng 14.500 người làm việc tại đây.
Nếu như các trụ sở công quyền, khu hành chính tập trung thường vắng lặng sau giờ làm việc thì khu vực làm việc của 13 bộ ngành sẽ sôi động cả vào buổi tối, ngày cuối tuần nhờ khu vực trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng cao từ 6 đến 24 tầng được bố trí ở 2 đầu và ở trung tâm của khu đất. Khu vực công trình dịch vụ, công cộng này sẽ có diện tích 4,9 ha.
Khu vực trụ sở của 13 bộ ngành sẽ được kết nối thông qua các tuyến đường giao thông lớn như đường Võ Chí Công, đường vành đai 2,5 và đặc biệt là tuyến metro sẽ hình thành trong tương lai.
Theo bản thiết kế Dải ngân hà xanh Thăng Long, khu trụ sở của 13 bộ ngành sẽ sử dụng giải pháp thân thiện môi trường như sử dụng công nghệ thông tin để kiểm soát tiêu thụ điện; tái sử dụng nước mưa; tạo không khí mát từ Hồ Tây theo hướng gió chủ đạo nhờ tuyến sàn nổi; sử dụng năng lượng mặt trời để làm điện và chiếu sáng cho các không gian công cộng; sử dụng hệ thống trụ thông minh Smart Pole gồm nhiều chức năng như chiếu sáng, wifi, điểm thu phí, camera an ninh và biển báo…
Theo quy hoạch từ năm 2023 đến 2025, các cơ quan sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, trụ sở, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Từ năm 2026 đến 2030 sẽ xây dựng, hoàn thành trụ sở một số cơ quan có nhu cầu cấp thiết di dời. Từ 2031 đến 2035 xây dựng trụ sở các bộ ngành còn lại và công trình công cộng.
Nhận xét về bản thiết kế Dải ngân hà xanh Thăng Long, tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Phước Anh chia sẻ trên tạp chí Người đô thị cho rằng việc thiết kế theo cấu trúc phân tán, đẩy các toà nhà ra 2 bên, dành khoảng trống ở giữa cho các không gian công cộng là một hướng đi hợp lý. Nó sẽ giúp không gian công cộng có hình hài rõ ràng, thay vì là khoảng thừa còn lại. Các toà nhà riêng biệt cũng giúp chúng có được sự độc lập trong việc theo đuổi các hình thức kiến trúc có tính biểu tượng từng ngành.
Tuy nhiên, theo ông bản thiết kế vẫn còn những hạn chế như chưa phản ánh lịch sử, văn hoá hay bản sắc địa điểm của khu vực hồ Tây. Cấu trúc không gian công cộng nhiều tầng có khối lượng xây dựng lớn mà hiệu quả không cao. Nhiều công trình khách sạn, trung tâm mua sắm, tổ hợp giải trí mang tính thương mại cao.