Khu ổ chuột đến người khá giả cũng sinh sống
Dharavi là khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ, có khoảng nửa triệu người sinh sống, chen chúc trong những ngôi nhà tạm bợ, hẹp như bao diêm trên khu vực có diện tích 2,4 km2.
Khu ổ chuột này chỉ toàn là những ngôi nhà đổ nát, lối đi bẩn thỉu và chật hẹp. Dharavi từ lâu đã là một biểu tượng không mấy đáng tự hào ở trung tâm Mumbai. Người dân ở Dharavi thậm chí còn không có phòng tắm riêng, ước tính cứ 100 hộ thì mới 1 nhà vệ sinh.
Vào thế kỷ 18, Dharavi chỉ là một đầm lầy, sau này trở thành một làng chài. Khi Mumbai bắt đầu công nghiệp hóa, những người thợ thuộc da đã định cư ở khu vực này. Sau đó, các thợ gốm từ Saurashtra và Kutch cũng chuyển đến. Nằm giữa 2 tuyến đường sắt và gần một con sống, thì Dharavi là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa và cộng động di cư từ khắp Ấn Độ.
Tuy nhiên, Dharavi lại nằm trên một khu đất được coi là đắc địa ở thủ đô tài chính và kinh doanh của Ấn Độ, ngay gần khu phức hợp Bandra Kurla – trung tâm kinh doanh giữa 2 tuyến đường sắt chính của thành phố.
Khu ổ chuột này còn có cả những bác sĩ, luật sư, kế toán và cả những người có thu nhập cao, ổn định sinh sống. Lý do họ không muốn rời đi là vì mối quan hệ thân thiết giữa những người hàng xóm với nhau.
Ngoài ra, khu dân cư này cũng là một khu vực kinh tế riêng, với hơn 5.000 doanh nghiệp lớn nhỏ đang hoạt động, phục vụ nhu cầu của hàng trăm nghìn người đang sinh sống. Họ sản xuất mọi thứ từ da, xà phòng cho đến đồ gốm và giày dép.
Khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ sắp được dỡ bỏ?
Nơi này sẽ sớm được “thay da đổi thịt” sau khi Tập đoàn Adani của tỷ phú giàu nhất nước này giành chiến thắng trong vụ đấu thầu trị giá 50,7 tỷ rupee (613 triệu USD) để tái phát triển.
Dù người dân của khu ổ chuột đã chờ đợi từng ngày để khu nhà xấu xí họ đang sinh sống được dọn sạch, nhưng một số vẫn lo ngại về những hậu quả tiềm tàng mà sự thay đổi này có thể gây ra với cuộc sống cũng như sinh kế của họ.
Ramakant Gupta – Chủ tịch của Dharavi Bachao Andolan (Tổ chức Save Dharavi) cho biết mọi người ủng hộ kế hoạch cải tổ này nhưng muốn Tập đoàn Adani đặt nhu cầu và lợi ích của họ lên hàng đầu.
Ông nói: “Chúng tôi muốn quá trình tái phát triển diễn ra một cách công bằng, tức là toàn bộ người dân không phải rời khỏi đây. Người dân mong muốn hình ảnh của khu vực này được thay đổi, giúp con cái họ có thể học cao hơn cùng với triển vọng sự nghiệp sáng lạn hơn.”
Samya Korde – chủ tịch Đảng Nông dân và Công nhân Ấn Độ, người lớn lên trong khu ổ chuột này, cho biết đề xuất của Tập đoàn Adani vẫn thiếu chi tiết, bao gồm cả thời gian của những thay đổi này. Bà cho hay: “Các điều khoản để mua lại đất trên đường sắt từ chính quyền trung ương và tương lai của nó vẫn chưa rõ ràng.”
Trong khi đó, Tập đoàn Adani cho biết họ sẽ “bỏ tiền túi” để di dời toàn bộ cư dân của khu ổ chuột và phần đất dư thừa có thể bán lại cho các nhà phát triển khác để kiếm lời. Song, nhiều nhà phân tích nhận thấy tập đoàn của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ không nên thu lợi từ mảnh đất này, nơi đã có nhiều thế hệ cư dân Dharavi sinh sống và lập nghiệp.
Rehman Shaikh – người sở hữu một doanh nghiệp tái chế nhỏ, cho biết điều giúp cộng đồng này nổi tiếng là sự độc đáo và bản chất đa văn hóa, nhưng những yếu tố này sẽ biến mất bởi kế hoạch phát triển mới.
Bharat Dordia là cư dân của khu Kumbharwada thuộc Dharavi, khu sản xuất đồ gốm sứ với lối đi nhỏ hẹp và khói dày đặc bốc ra từ những lò nung mà gia đình ông gọi là “nhà” trong suốt 60 năm. Ngôi nhà của Dordia có 2 tầng và được coi là rộng rãi trong khu ổ chuột này. Ông đang lo ngại về thu nhập của gia đình trong tương lai vì ông chỉ được phân chia một không gian rất nhỏ trong kế hoạch tái phát triển.
Shaikh Anjum – vận hành một xưởng may với 10 thợ, cho biết việc tái phát triển sẽ khiến công việc kinh doanh của ông xáo trộn hoàn toàn. Ông không có được không gian kinh doanh đủ lớn để làm ăn trong dự án cải tổ khu ổ chuột.
Song, một số cư dân trẻ lại tỏ ra hào hứng. Shabana Khan, một sinh viên 18 tuổi, sống trong một ngôi nhà nhỏ, với 1 phòng ngủ, cùng 6 thành viên trong gia đình. Mọi người thường xuyên phải sử dụng phòng tắm công cộng trong khu. Khan chia sẻ: “Tôi rất mong đợi được sống trong một ngôi nhà hiện đại với phòng tắm riêng.”
Tổng hợp