Mang ý nghĩa di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của quốc gia, khu di tích Ðền Hùng còn là một quần thể kiến trúc và tín ngưỡng độc đáo, thể hiện bản sắc dân tộc và đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ và tri ân công lao dựng nước của Tổ tiên người Việt.
Khu di tích Ðền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc vùng đất Phong Châu cổ, nay là địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, một vùng đất bán sơn địa, chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, có cảnh quan đa dạng, vừa có rừng núi, đồi gò, vừa có đồng ruộng, sông ngòi, ao hồ phong phú.
Theo tương truyền, núi Nghĩa Lĩnh, nơi đặt đền, còn gọi là núi Cả hay núi Hùng, là ngọn núi cao nhất trong vùng (cao 175m), là nơi Vua Hùng và các Lạc hầu, Lạc tướng thường tiến hành các nghi thức tín ngưỡng cầu cho mưa thuận, gió hòa.
Từ xa nhìn lại, núi như đầu một con rồng lớn đang uốn lượn trong mây trời và những đồi núi chung quanh như đàn voi đang chầu về đất Tổ.
Không phải bỗng dưng Vua Hùng lại chọn vùng đất này để định đô, dựng nước, bởi nơi đây hội tụ khí thiêng của đất trời, sông núi, nơi muôn cây, vạn vật đều chầu về và lòng người thuận theo như câu đối ở ngay cổng chính của Ðền đã ghi lại:
Mở lối đắp nền bốn mặt non sông qui một mối/Lên cao nhìn rộng, núi đồi trùng điệp tựa cháu con. Có lẽ cũng vì vậy nên hàng nghìn đời nay, cảnh sắc thiên nhiên Ðền Hùng vẫn rạng rỡ và huyền ảo như bức tranh thủy mặc cuốn hút.
Ðiểm bắt đầu của Khu di tích Ðền Hùng là Ðại môn (cổng Ðền Hùng) dưới chân núi Nghĩa Lĩnh được xây dựng vào năm 1917 với kiến trúc hình vòm cuốn, gồm hai tầng tám mái, trang trí rồng, phía trên có đắp nổi hình "lưỡng long chầu nguyệt".
Hai bên cổng có hai cột trụ, phía trên đỉnh có đắp nổi hai con nghê chầu. Giữa tầng một của cổng có bức đại tự: Cao sơn cảnh hành (lên núi cao nhìn xa rộng). Leo dọc con đường với 225 bậc đá ven theo triền núi, du khách lên Ðền Hạ và chùa Thiên Quang.
Ngôi đền do dân làng Vi Cương, xã Chu Hóa (nay là thị trấn Hùng Sơn) huyện Lâm Thao xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ 17 - 18) mà theo truyền thuyết là nơi Mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở thành trăm người con.
Ba ban thờ chính trong hậu cung đều có bài vị thờ đặt giữa Long ngai ghi rõ: Ðột ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thế truyền thánh vương thánh vị, Ất Sơn thánh vương thánh vị và Viễn Sơn thánh vương thánh vị.
Cỗ Long ngai thứ tư thờ hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa là con gái Vua Hùng thứ 18. Chùa Thiên Quang được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ 13-14).
Chùa có quả chuông nặng gần một tấn, ba tấm bia đá ghi công đức và các việc trùng tu sửa đường lên núi Hùng và bài ký ghi lại việc trùng tu chùa Thiên Quang từ năm 1844 đến 1850.
Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc nữa là tới Ðền Trung ở lưng chừng núi có tên chữ là "Hùng Vương Tổ Miếu" mà theo huyền sử là nơi Vua Hùng thường cùng các Lạc hầu, Lạc tướng họp bàn việc nước và ngắm cảnh núi non kỳ thú.
Theo nhiều chuyên gia sử học và khảo cổ, đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ 14.
Tuy nhiên, đền bị giặc Minh xâm lược phá hủy vào thế kỷ 15. Sau khi hết giặc, nhân dân trong vùng đã cùng chung tay xây dựng lại nơi thờ phụng Tổ tiên. Ðền được đầu tư trùng tu, tôn tạo vào các năm 1988 và 2009 khang trang, rộng rãi hơn.
Ðền Thượng nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh với tên chữ là "Kính Thiên lĩnh điện" (Ðiện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh).
Theo sử sách và lưu truyền dân gian, đây là nơi Vua Hùng thường tiến hành các nghi lễ tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang, vật thịnh... Bản Ngọc phả Hùng Vương có tên gọi:
"Hùng đồ thập bát diệp Thánh Vương Ngọc Phả cổ truyền" viết rằng: Vương phục lập cửu trùng thiên điện ư Nghĩa Lĩnh sơn thượng, dĩ vi Kính thiên lĩnh điện (nghĩa là: Vua lập cửu trùng thiên điện trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh làm điện Kính thiên, tức điện thờ Trời).
Trải qua các triều đại, Ðền Thượng luôn luôn được quan tâm tu bổ, tôn tạo, nhất là vào thời nhà Nguyễn.
Bên trái Ðền Thượng là Lăng Vua Hùng, tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ sáu. Lăng có kiến trúc hình vuông, ba cửa vòm quay theo ba mặt Bắc, Đông, Nam . Phía trong lăng có bia đá ghi: Biểu chính (lăng chính); Phía trên ba mặt đều có đề Hùng Vương Lăng (lăng Vua Hùng).
Khu di tích còn có cột đá thề của Thục Phán dựng lên sau khi được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi báu, để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước và đời đời hương khói trông nom nơi thờ tự các Vua Hùng.
Từ Ðền Thượng đi xuống có Ðền Giếng, tên chữ là "Ngọc Tỉnh" ở phía Đông Nam chân núi, nơi thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa có công dạy dân trồng lúa, trị thủy.
Trong hậu cung của đền hiện vẫn còn một giếng nước hình tròn, được gọi là Giếng Ngọc, nước trong mát quanh năm mà theo dân gian là nơi hai công chúa thường soi gương, chải tóc.
Chính tại Ðền Giếng, ngày 19-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Ðại đoàn quân Tiên Phong và giao nhiệm vụ cho đơn vị tiếp quản Thủ đô sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ và căn dặn:
Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
Ngày nay, Khu di tích Ðền Hùng đang tiếp tục được đầu tư xây dựng với nhiều hạng mục công trình tương xứng vị thế của một vùng đất Tổ, nơi thờ cúng các Vua Hùng và những bậc tiền hiền dựng nước, một điểm hành hương của những người con đất Việt, một điểm đến cuốn hút và linh thiêng của du lịch tín ngưỡng, văn hóa và lịch sử.