Khu chợ nổi tiếng bậc nhất Bangkok Chatuchak hoang tàn, trống trải, hàng nghìn tiểu thương tìm đến Facebook kiếm sống

Vân Đàm |

Bình thường mỗi ngày đón từ 200.000-300.000 lượt khách, nay chợ Chatuchak ở Bangkok vô cùng hoan tàn, trống trải.

Không khí buồn tẻ bao trùm lên toàn bộ khuôn viên rộng lớn của khu chợ nổi tiếng Chatuchak tại Bangkok. Dịch Covid-19 đã khiến hàng nghìn quầy hàng tại đây trống không còn những đường đi nhỏ hẹp quanh chợ vốn được lấp đầy bởi khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới trở nên vắng vẻ.

Một vài người dân địa phương vẫn mạo hiểm tới đây mua một vài mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết. Tuy nhiên nhìn chung, tổ hợp mua sắm nổi tiếng này – nơi bán mọi thứ từ thảm mây đến thời trang đường phố phần lớn rơi vào khung cảnh hoang tàn, trống trải.

Tuy nhiên, rất nhiều nhà buôn vốn sống bằng thu nhập bán hàng ở chợ không chịu khuất phục. Thay vào đó, họ tìm đến các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Instagram để kiếm sống.

Nhiều nhà buôn nhỏ đã cởi mở với những phương thức mua, bán, mặc cả hàng hóa trực tuyến ở Thái Lan – nơi hiện là thị trường lớn nhất của Đông Nam Á xét về giao dịch thương mại xã hội.

Khu chợ nổi tiếng bậc nhất Bangkok Chatuchak hoang tàn, trống trải, hàng nghìn tiểu thương tìm đến Facebook kiếm sống - Ảnh 1.

Mọi thứ từ bánh socola hạnh nhân handmade đến các sản phẩm lau dọn đều có thể tìm thấy trên những "kệ hàng ảo" tại Thái Lan. Những người đánh cá thậm chí cũng mang những sản phẩm họ đánh bắt được ở biển Andaman lên bán trực tuyến.

Một xu hướng tương tự cũng đang xuất hiện tại Indonesia và Philippines – nơi bán lẻ nói chung và truyền thống nói riêng đều chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Lalilladar Sirisukamon – người là chủ sở hữu của tiệm trang sức Rock Me Jewelry đã lập cửa hàng đầu tiên của cô ở chợ Chatuchak vào năm 2013. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát và việc bán hàng buộc phải ngưng lại, cô chuyển sang bán online.

"Ở Chatuchak – tất cả những cửa hàng của chúng tôi đều là nơi kém vệ sinh nhất. Vì vậy chúng tôi rất do dự khi mở lại cửa hàng ở đó.

Khi bắt đầu livestream trên Facebook để bán hàng, chúng tôi đã kiếm được tiền vì vậy chúng tôi có thể trả tiền cho nhân viên và trang trải chi phí. Đó là cách duy nhất giúp chúng tôi sống sót bây giờ".

Nhiều hoạt động online tại Thái Lan hiện được xem như "thương mại trò chuyện" – một loại hình mua và bán thông qua dịch vụ tin nhắn, chat nhóm như WhatsApp hoặc những nền tảng như Instagram. Điều đó có thể một phần hữu ích cho các nhà bán lẻ, cho phép họ kết nối nhanh chóng và trực tiếp với người tiêu dùng và cung cấp nhưng dịch vụ cá nhân hóa với chi phí đầu tư ít hơn.

"Bạn chỉ cần biết làm sao để chụp 1 bức ảnh đẹp, đăng lên mạng và thiết lập giá mà bạn muốn", theo Vilaiporn Taweelappintong – một chuyên gia đến từ PwC ở Thái Lan. "Lúc mới bắt đầu, có thể là những sản phẩm nhỏ như bánh cookies hay những thực phẩm khác nhưng hiện hoạt động này đã trở nên nghiêm túc hơn. Mọi người bán cả đất, nhà và căn hộ".

Những thương hiệu lớn cũng tham gia vào cuộc chơi: Năm ngoái, McDonald’s đã sử dụng công cụ quảng cáo của Facebook để tiếp cận 3,5 triệu người tại Philippines trong giai đoạn 2 tháng.

"Facebook đã cứu chúng tôi"

Bán hàng thông qua livestream vốn đã rất phổ biến ở Trung Quốc – nơi những siêu sao bán hàng như Viya đã thu hút được lượng khán giả tới 37 triệu người cho 1 buổi livestream. Tháng 4, cô này nói rằng đã bán được một chiếc tên lửa với giá 5,6 triệu USD.

Một điểm trừ của việc sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội để giao dịch là nhiều người không có hệ thống thanh toán. Tiền thông thường chuyển trực tiếp bởi ngân hàng hoặc tiền mặt cho người giao hàng. Hệ thống đó phụ thuộc vào sự tin tưởng. Tuy nhiên ở nhiều nước Đông Nam Á – nơi thanh toán tiền mặt vẫn còn phổ biến, việc này cho thấy sự hiệu quả.

Quy trình đang dần trở nên có cấu trúc hơn. Facebook gần đây đã cho ra mắt Facebook Shop – một chức năng cho phép người dùng tạo lập tài khoản trực tuyến cho những ứng dụng chính của họ và lên kế hoạch cho ra đời dịch vụ tương tự với Instagram vào năm tới.

"Mọi người đang sử dụng live video trên những ứng dụng của họ để quảng bá sản phẩm trong nhiều năm, từ việc các cửa hàng tuyên bố những dòng sản phẩm mới đến việc những người nổi tiếng thử son. Hiện tại, chúng ta đang khiến việc mua sắm dễ dàng hơn".

Khu chợ nổi tiếng bậc nhất Bangkok Chatuchak hoang tàn, trống trải, hàng nghìn tiểu thương tìm đến Facebook kiếm sống - Ảnh 2.

Quy mô thương mại điện tử ở một số nước Đông Nam Á từ 2019 - 2025.

Facebook cũng là nền tảng mạng xã hội được lựa chọn ở Philippines – nơi 98% trong 73 triệu người dùng Internet đang tham gia ở đây. Kể từ khi lệnh phong tỏa bắt đầu vào tháng 3, thương mại điện tử trò chuyện đã mọc lên như nấm. Hàng nghìn người Philippines trở thành những người bán hàng online sử dụng Facebook hay Viber để bán hàng.

Tiềm năng tăng trưởng là rất lớn. Về mặt tổng giá trị hàng hóa, tổng nền kinh tế Internet của Philippines gồm cả thương mại điện tử trị giá 7 tỷ USD trong năm 2019 – mức thấp nhất trong khu vực.

Google và Temasek cũng dự đoán rằng con số này sẽ tăng lên 25 tỷ USD vào năm 2025 nhưng sẽ vẫn thấp hơn so với Indonesia (dự kiến đạt 133 tỷ USD), Thái Lan (50 tỷ USD) và Việt Nam (43 tỷ USD).

"Nhiều người đang gặp khó khăn để tìm cách kiếm sống", theo Jay – một người đang bán hàng trên Facebook. "Nếu không có vắc xin và nỗi sợ hãi chưa hết, việc mở cửa hàng là gần như không thể. Facebook thật sự là phương tiện tuyệt vời cho những nhà buôn nhỏ lẻ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại