Dubai đã phát triển vượt bậc sau khi Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) phát hiện ra dầu mỏ vào năm 1966. Thành phố này chính là nơi sở hữu tòa nhà cao nhất thế giới, trung tâm mua sắm lớn thứ hai thế giới cùng hàng loạt khách sạn sang trọng và nhiều tòa nhà chọc trời hơn bất kỳ thành phố nào ngoài New York và Hồng Kông.
Dubai có nhiều khu chợ ngoài trời bán gia vị, nước hoa, quần áo… Đây đều là những nơi náo nhiệt, đầy màu sắc và thu hút được đông đảo khách du lịch. Tuy nhiên trong số đó, địa điểm nổi tiếng nhất chính là khu chợ bán vàng Gold Souk. Theo Nada Badran, một người Jordan đã sống ở Dubai nhiều năm, các khu chợ là chìa khóa để hiểu hơn về văn hóa của thành phố này.
Các dự án lớn của Dubai như Palm Jumeirah, hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới và Burj Khalifa, tòa tháp cao nhất thế giới đều rất hoành tráng và tuyệt vời nhưng chúng lại ít liên quan đến văn hóa.
Badran nói: "Một số người cho rằng Dubai không có linh hồn nhưng điều đó không đúng. Chỉ là bạn chưa tìm ra được nét văn hóa đặc sắc nơi đây mà thôi".
Badran giải thích rằng Dubai không có lịch sử văn hóa hàng nghìn năm tuổi như Ý hay Hy Lạp, phần lớn dân số của họ là người nhập cư (chiếm 94% trong tổng số 3,2 triệu cư dân thành phố).
Để trải nghiệm được một Dubai thực sự, du khách nên ghé thăm các cửa hàng hoặc khu chợ địa phương. Dubai là một thành phố cảng lâu đời và là nơi giao thương quan trọng của khu vực Trung Đông và châu Á.
Một trong những khu chợ nổi tiếng nhất của Dubai là chợ vàng Gold Souk ở Deira
Dubai thường được gọi là "thành phố của vàng" do sự gia tăng nhanh chóng về của cải. Dù vậy, thành phố này còn có tên gọi như vậy vì một lý do khác: Tổng giá trị các hoạt động xuất nhập khẩu vàng của Dubai đạt 75 tỷ USD trong năm 2014 và khoảng 40% lượng vàng giao dịch trên thế giới phải đi qua Dubai. Phần lớn trong số đó đi qua Gold Souk, thị trường trang sức lớn nhất của thành phố.
Việc mua vàng ở Dubai rất phổ biến vì nhân công khá rẻ và thuế không bị tính đến tận năm ngoái.
Giá vàng được xác định bởi ba yếu tố: trọng lượng hoặc karat của vàng, thiết kế và công sức của người lao động. Khách hàng chính của Gold Souk là người Ấn Độ, Trung Quốc và UAE.
Bạn có thể nhận thấy ảnh hưởng của từng đối tượng khách hàng tới phong cách của sản phẩm. Những đồ trang sức này phục vụ chủ yếu cho khách hàng đến từ Ấn Độ.
Những món trang sức phục vụ khách hàng Ấn Độ.
Theo Bhavin Sagar, chủ một doanh nghiệp gia đình, mua vàng là hành động mang tính truyền thống, đặc biệt là trong những dịp quan trọng như đám cưới và sinh nở. Họ liên tục mua vàng dù giá cả thay đổi ra sao.
Ở những quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, vàng là đồ thách cưới. Chính vì vậy, trang sức cưới bằng vàng thường được chế tác rất công phu và có giá lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn USD.
Những món trang sức vàng được chế tác tinh xảo.
Gold Souk ở Dubai là khu chợ trưng bày chiếc nhẫn vàng lớn nhất thế giới. Chiếc nhẫn Najmat Taiba nặng 64kg và có giá gần 3 triệu USD.
Rất nhiều du khách tìm đến đây để chụp ảnh lưu niệm cùng chiếc nhẫn đặc biệt.
Cách Gold Souk không xa là Spice Souk, tập hợp của những cửa hàng nhỏ chứa vô vàn loại hương liệu khác nhau. Hầu hết các cửa hàng đều do người nhập cư Iran làm chủ và gia vị ở đây cũng có nguồn gốc từ Iran.
Saeed Neamatpour, một người nhập cư Iran sở hữu cửa hàng gia vị Nasser Ali.
Iran đặc biệt nổi tiếng với nghệ tây, loại gia vị đắt tiền nhất thế giới và thường được gọi là "vàng đỏ". Iran sản xuất tới 85% lượng nghệ tây của thế giới.
Loại tốt nhất có thể được bán với giá 20 USD/gram, nhưng ở Dubai giá của chúng chỉ khoảng 4 USD/gram.
Gia vị đắt thứ hai là vani lấy từ loại hoa lan đặc biệt khó thụ phấn.
Spice Souk là một nơi lý tưởng để thử faloodeh, món tráng miệng truyền thống của Iran gồm bún khô đông lạnh dùng kèm siro hoa hồng và hạt dẻ cười giã dập.