Đây là biện pháp sinh tồn của chợ điện tử lớn nhất Trung Quốc giữa tâm dịch COVID-19

Bảo Nam |

Hoa Cường Bắc từng là khu chợ đồ điện tử nổi tiếng nhất Trung Quốc, được ví như "Thung lũng Silicon của Trung Quốc", nay cũng lao đao tìm cách hoạt động dưới ảnh hưởng của bệnh dịch do viruscorona mới gây ra.

"Tôi không biết phải làm gì trong những ngày này. Đã có thông báo thứ 2 nói rằng khu chợ tiếp tục phải đóng cửa", A Lượng, một thương nhân Hoa Cương Bắc, người đang tiếp tục phải "đi nghỉ" ở quê nhà mình ở Sán Đầu (thuộc tỉnh Quảng Đông) chia sẻ với tâm trạng khó chịu.

Khu chợ này sẽ tiếp tục bị đóng cửa cho đến hết đầu tháng ba, do nhu cầu về phòng chống dịch bệnh hiện nay. Đây là lần thứ hai ban quản lý thông báo cho các thương nhân về việc trì hoãn việc mở cửa.

Giống như hầu hết các thương nhân ở Hoa Cường Bắc, A Lượng lần đầu tiên đón ngày rằm tháng Giêng ở quê nhà. Tuy nhiên, giá thuê cửa hàng, giá thuê căn hộ, tiền vay ngân hàng, cũng như các khoản vay khác, vẫn khiến anh đau đầu mỗi ngày.

"Vào ngày này năm ngoái, mọi người đã quay trở lại Thâm Quyến để mở cửa hàng. Bây giờ thì tất cả đều phải ngồi nhà và nhìn tiền đang bốc hơi ở Hoa Cường Bắc", nói về tình trạng hiện tại, anh chỉ biết thở dài. "Tôi chỉ hy vọng rằng tình hình dịch bệnh sẽ qua nhanh và ban quản lý có thể thông báo cho việc mở cửa càng sớm càng tốt."

Để giảm tổn thất cho việc mở cửa hàng chậm trễ, A Lượng, giống như nhiều thương nhân khác, đang tích cực bước vào trạng thái "tự lực cánh sinh" trong những ngày gần đây và tìm cách kinh doanh trực tuyến. Mọi thứ đều được rao bán online, từ điện thoại di động, sản phẩm kỹ thuật số, phụ kiện... Các nền tảng được trưng dụng là WeChat, Taobao và Xianyu (ứng dụng bán đồ đã qua sử dụng). Các mặt hàng sau đó được gửi đi bằng cách chuyển phát nhanh.

Lên mạng để tự cứu mình

Chợ điện tử lớn nhất Trung Quốc đóng cửa vì COVID-19, thương nhân mò mẫm tìm cách sinh tồn - Ảnh 1.

Khung cảnh khu phố Hoa Cường Bắc sầm uất ngày nào giờ vắng tanh vắng ngắt.

Ban đầu, khi được thông báo về việc hoãn mở cửa khu trung tâm mua sắm Hoa Cường Bắc, A Lượng rất lo lắng. Tuy nhiên, một đồng nghiệp trên WeChat đột nhiên liên lạc với anh và hỏi liệu có còn điện thoại Apple cũ trong kho không. Nếu có sẵn, người này yêu cầu anh gửi giúp hai chiếc iPhone 8 Plus mới 90% cho khách hàng. Vì phần lớn hàng tồn kho của A Lượng nằm ở cửa hàng tại Hoa Cường Bắc, anh đã phải nhờ một người bạn khác hỗ trợ. Sau một chuỗi nhờ vả, cuối cùng vị khách kia cũng nhận được thứ mình cần.

Một chiếc điện thoại di động cũ cũng chỉ kiếm được 100 hoặc 200 nhân dân tệ, nhưng việc các đồng nghiệp giúp đỡ nhau đã truyền cảm hứng cho A Lượng. Anh bắt đầu nghĩ về cách kinh doanh trực tuyến thông qua các nền tảng như WeChat và Taobao.

Vì vậy, anh đã quay lại kiểm kê chi tiết số hàng tồn kho của mình, liên hệ với một số bạn bè trong các kênh và nguồn cung cấp, sau đó bắt đầu xuất bản các "quảng cáo nhỏ" để phân phối điện thoại di động cũ trong vòng tròn bạn bè trên WeChat.

"Ngay sau đó, một số khách hàng cũ đã nhìn thấy và hỏi liệu tôi có thể gửi cho anh ấy một chiếc Huawei P30 bằng chuyển phát nhanh không", A Lượng kể.

Từ khi dịch bệnh lan tràn, hầu như tất cả các thành phố ở Trung Quốc đã đáp ứng lời kêu gọi quốc gia về phòng chống dịch bệnh và nhiều người trẻ đã buộc phải ở nhà. Chơi game tại nhà nhanh chóng trở thành xu hướng và kéo theo đó là nhu cầu về smartphone. Các đơn hàng thậm chí nhiều hơn bình thường.

Chợ điện tử lớn nhất Trung Quốc đóng cửa vì COVID-19, thương nhân mò mẫm tìm cách sinh tồn - Ảnh 2.

Cả khu Hoa Cường Bắc trước đây luôn đông vui nhộn nhịp người qua lại.

Trong vài ngày, A Lượng đã bắt đầu tìm thấy khách hàng của mình thông qua mạng xã hội. Một số người gặp các vấn đề như vỡ màn hình và hư hỏng do rơi vào nước cũng hỏi anh có thể sửa chữa hoặc thay thế phụ kiện không. Vì các thiết bị và công cụ để sửa chữa điện thoại di động hiện đang đặt tại Thâm Quyến, nên A Lượng không thể sửa chữa thiết bị cho khách hàng vào lúc này. Anh phải trả lời từng người một để giải thích tình hình.

"Sau khi nói chuyện với khách hàng, mọi người đều hiểu, nhưng nhiều người sử dụng điện thoại di động của họ để đọc tin tức và chơi game mỗi ngày, vì vậy một số người có ý muốn mua máy cũ trực tiếp và yêu cầu chuyển phát nhanh", anh chia sẻ.

Trước đây, thỉnh thoảng A Lượng cũng thực hiện các giao dịch trực tuyến, nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy coi trọng các kênh trực tuyến và vòng tròn bạn bè (một tính năng trên WeChat) cùng các khách hàng online như hiện tại.

Mặc dù hầu hết khách hàng chỉ mua một món đồ cũ để có thể sử dụng tạm trong thời gian ngắn, nhưng số lượng người có nhu cầu này rất lớn. Thật không may là hầu hết hàng tồn kho của anh vẫn để ở Thâm Quyến. Nên trong vài ngày qua, công việc chính của anh là kêu gọi hỗ trợ từ đồng nghiệp, tìm cách điều chỉnh hàng hóa cho phù hợp với từng khu vực. Mỗi ngày trung bình có tới 5-6 lô hàng được gửi, lợi nhuận không cao nhưng ổn định. Hầu hết các đơn hàng đều đến từ các khu vực rất xa. Một số đồng nghiệp của A Lượng ở Quảng Đông và Phúc Kiến thậm chí đã lái xe trở lại Thâm Quyến để lấy hàng từ kho.

"Tôi cũng muốn lái xe trở lại để lấy hàng dự trữ vào cuối tuần, nhưng các thành viên gia đình không đồng ý và vì có thể không thể tiến vào Thâm Quyến bằng cao tốc. Có lẽ thậm chí sẽ không quay trở lại được", anh nói.

Tất nhiên, lợi nhuận từ cách bán hàng này ít hơn nhiều so với việc kinh doanh thông thường. A Lựợng cười một cách cay đắng, nói rằng nó thậm chí không đủ tiền thuê nhà hàng tháng ở Hoa Cường Bắc. Tuy nhiên, ít còn hơn không có gì.

Cái gì cũng bán!

Chợ điện tử lớn nhất Trung Quốc đóng cửa vì COVID-19, thương nhân mò mẫm tìm cách sinh tồn - Ảnh 4.

Khung cảnh hoang vắng ở một góc chợ công nghệ Hoa Cường Bắc.

Cũng nhận được thông báo hoãn mở cửa từ ban quản lý, A Cường, một người làm kinh doanh mảng phụ kiện điện thoại di động ở Hoa Cường Bắc cho biết anh đã bắt đầu kinh doanh trực tuyến từ ngày mồng 10 Tết. Các nền tảng được chọn là WeChat, Taobao và các kênh thương mại điện tử phổ biến khác. Tuy nhiên, ngoài điện thoại di động và phụ kiện, anh cũng bắt đầu thử bán máy chơi game video và thiết bị chơi game cầm tay.

Theo quan điểm của anh, những người trẻ tuổi ở nhà, ngoài chơi game trên điện thoại di động thì cũng sẽ chú ý đến máy chơi game video. Do đó từ hai tuần trước, nhiều khách hàng hoặc bạn bè đã hỏi ý kiến anh về việc bán các máy chơi game đã qua sử dụng như Nintendo Switch và PS4. Khi số lượng đông lên, họ bắt đầu nghĩ về việc hợp tác với nhau.

Theo A Cường, nhiều thương nhân Hoa Cường Bắc hiện đang hợp tác với các mạng lưới và nhà cung cấp lớn để chuyển hàng hóa sang các lĩnh vực mới. Ví dụ, khi các nhà cung cấp máy chơi game video bán sản phẩm của mình, họ cũng sẽ giới thiệu các sản phẩm khác như máy chơi game cầm tay, giá đỡ điện thoại di động... Còn với người bán phụ kiện điện thoại, trong khi bán hàng sẽ giúp các đồng nghiệp của mình quảng cáo máy chơi game video và các sản phẩm liên quan. Các mối quan hệ ngày càng đan xen và gắn kết, tạo ra một mạng lưới xuyên biên giới cả về phạm vi lẫn lĩnh vực kinh doanh. Mọi người giống như một mảnh ghép của một cửa hàng tạp hóa điện tử khổng lồ.

Một thương gia bán trò chơi điện tử mà A Cường quen biết đã xử lý xong đám hàng tồn kho các máy chơi game video của mình từ trước dịp nghỉ lễ và giờ đang chuyển sang bán máy chơi game cầm tay. Một chiếc Nintendo Switch, bình thường giá chỉ 1.700 nhân dân tệ (khoảng 5,6 triệu), nhưng do khan hàng, bị đẩy giá bán lên 2.200 nhân dân tệ (khoảng 7,3 triệu đồng), nhưng vẫn "cung không đủ cầu".

Chợ điện tử lớn nhất Trung Quốc đóng cửa vì COVID-19, thương nhân mò mẫm tìm cách sinh tồn - Ảnh 5.

Trước đây, các quầy hàng luôn nhộn nhịp buôn bán từ sáng sớm tới tối muộn.

Một số người dùng thấy không mua được Nintendo Switch đã chuyển sang tìm kiếm máy chơi game Nintendo 3DS đã qua sử dụng, loại chỉ còn độ mới 85% hoặc 80%. Máy chơi game PS4 bị đẩy giá từ 1.800 nhân dân tệ lên đến 2.000 nhân dân tệ.

"Những người bán phụ kiện điện thoại đang quay ra bán trò chơi điện tử. Những người sửa chữa điện thoại di động đang bán các sản phẩm kỹ thuật số và những người bán các sản phẩm kỹ thuật số cũng bán các trò chơi video và điện thoại di động", A Cường chia sẻ. Theo anh, các thương nhân đang dần chuyển đổi mình thành "nhà phân phối" của các loại thiết bị kỹ thuật số. Và ngay cả các máy chơi game cầm tay kiểu "all in one" với giá bán lẻ chỉ vài chục nhân dân tệ cũng bất ngờ trở thành mặt hàng phổ biến.

Dù một số người vẫn than thở về việc đặt hàng và nguồn cung ứng, A Cường miễn cưỡng nói rằng nếu việc bán sản phẩm trực tuyến có thể kiếm đủ lợi nhuận, ai cũng sẽ biến vòng tròn bạn bè của mình thành một "cửa hàng tạp hóa".

"Tôi đã nghe chuyện nhiều doanh nghiệp trên thị trường làm đẹp đang bán chất khử trùng, kính bảo hộ và găng tay dùng một lần", anh tâm sự. Khi các thương nhân điều chỉnh hàng hóa với nhau, lợi nhuận tất nhiên sẽ ít hơn, nhưng điều này có thể bù đắp ít nhiều cho việc vẫn đang tốn tiền thuê cửa hàng ở Hoa Cường Bắc.

"So với dịch SARS nhiều năm trước, Internet bây giờ quá phát triển và dịch vụ chuyển phát nhanh cũng rất hoàn thiện. Nếu không phải như vậy, nhiều đồng nghiệp của tôi sẽ bất chấp để quay trở lại Thâm Quyến mở cửa hàng của mình", A Cường nói. "Nếu có thể, tôi vẫn hy vọng khu chợ sẽ mở cửa sớm trở lại, để có thể đứng sau quầy!"

Chỗ nào có người là chỗ đó có thể kiếm tiền!

Chợ điện tử lớn nhất Trung Quốc đóng cửa vì COVID-19, thương nhân mò mẫm tìm cách sinh tồn - Ảnh 7.

Không mở cửa hàng nhưng các doanh nhân vẫn phải trả tiền thuê đúng hạn.

Lưu Thành và người yêu của anh buôn bán điện thoại di động cũ ở Hoa Cường Bắc. Hiện trung tâm này đã tạm đóng cửa, nhưng tiền thuê cửa hàng vẫn phải nộp như cũ. Chỉ có một thông báo nói rằng sẽ giảm... chi phí quản lý và bảo vệ tài sản, khi thích hợp. Đây là điều khiến anh băn khoăn.

"Trước hết, tôi hy vọng trung tâm mua sắm có thể giảm hoặc miễn tiền thuê trong một tháng, như vậy chúng tôi sẽ chịu ít áp lực hơn", anh chia sẻ. Theo anh, so với tiền thuê gian hàng mỗi tháng gần 20.000 nhân dân tệ (khoảng 66 triệu đồng), việc giảm hoặc miễn vài trăm nhân dân tệ chi phí quản lý tài sản chỉ đơn giản là "muối bỏ bể".

Giống như nhiều đồng nghiệp khác, giờ anh đang bán hàng trực tuyến tại nhà và tiếp tục kinh doanh mảng điện thoại di động cũ. Tuy nhiên, vì sự kết nối kém trong vòng tròn bạn bè, anh bắt đầu phải mở các tài khoản trên nhiều nền tảng khác để kiếm khách hàng.

"Mọi người trước đây thường chỉ quan tâm đến kinh doanh ngoại tuyến. Wechat có ít bạn bè và hoạt động không tốt. Đây cũng là một vấn đề phổ biến đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ", anh tâm sự.

Trước đây, nhiều khách hàng đã đề nghị thêm WeChat, nhưng Lưu Thành ngại rắc rối và gặp một số vấn đề trong kinh doanh. Hầu hết những người đã đến và đi chỉ để lại một phương thức liên lạc duy nhất là gọi điện thoại.

"Tôi thậm chí không nghĩ rằng vòng tròn bạn bè có thể có ích trong thời gian này", anh nói thêm. "Sau khi dịch bệnh qua đi, gia đình tôi và tôi vẫn phải quay lại Hoa Cường Bắc để mở quầy hàng. Nhưng chúng tôi sẽ học hỏi kinh nghiệm và sẽ duy trì các mối liên hệ trực tuyến".

Chợ điện tử lớn nhất Trung Quốc đóng cửa vì COVID-19, thương nhân mò mẫm tìm cách sinh tồn - Ảnh 8.

Thương nhân Hoa Cường Bắc trước kia chỉ tiếp khách tới xem trực tiếp cũng đủ mệt người.

Về mặt quản lý khách hàng, các thương nhân ở Hoa Cường Bắc cũng có quan niệm như Lưu Thành. Họ phải đối mặt với một lượng khách truy cập lớn mỗi ngày. Do đó, hiếm ai có thời gian để suy ngẫm về các nhóm WeChat và vòng tròn bạn bè. Hiện tại, anh đang học theo các đồng nghiệp của mình, cùng lúc duy trì nhiều nhóm nói chuyện, thậm chí kết nối với các nhóm bán đồ làm đẹp hoặc bán buôn, để chia sẻ nguồn khách hàng tiềm năng. Hóa ra, việc bán hàng online bận rộn hơn anh vẫn nghĩ.

Tuy nhiên, một điều đáng quý là các thương nhân ở Hoa Cường Bắc dường như không bài xích nhau mà ngược lại, hỗ trợ một cách tận tình. Không chỉ chia sẻ khách hàng mới tiềm năng, một số người còn nhắc nhở nhau khi có mối hàng quan trọng. Mới đây, một người nhập đồ y tế đã nhắc Lưu Thành mua tích trữ một số mặt nạ để dùng cho gia đình.

"Trước đây, tất cả chúng ta đều cảm thấy rằng kinh doanh trực tuyến là ảo tưởng và sẽ dễ bị lừa dối nếu không cẩn thận", Lưu Thành tâm sự. "Nhưng trong vài ngày qua, tôi thấy rằng niềm tin có thể nhanh chóng được thiết lập. Một số thiết bị khó đánh giá qua ảnh, tôi hứa sẽ mô tả một cách trung thực. Bên kia sẽ giao hàng bất cứ lúc nào sau khi thanh toán trực tuyến. Nếu họ không hài lòng, họ sẽ trả lại hàng bằng cách chuyển phát nhanh và tôi sẽ hoàn lại tiền."

Tham khảo Sina

Chợ điện tử lớn nhất Trung Quốc đóng cửa vì COVID-19, thương nhân mò mẫm tìm cách sinh tồn - Ảnh 10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại