Trong chương trình Shark Tank mùa 5 (2022), CEO VelasBoost Lê Hải Vũ đã xuất hiện và gây được sự chú ý với thương hiệu phụ kiện điện thoại Make in Việt Nam, được sáng lập, thiết kế bởi người Việt Nam với giá rẻ và chất lượng tốt.
Khi này, Velasboost đã phát triển 29 loại sản phẩm khác nhau, bán ra thị trường khoảng 24.500 sản phẩm, đạt doanh thu 6 tỷ đồng, lợi nhuận gộp hơn 2 tỷ đồng. Bản thân Lê Hải Vũ là một KOL công nghệ có nhiều người theo dõi và có cộng đồng khách hàng trên mạng xã hội.
Nhận thấy Startup tiềm năng và đúng lĩnh vực ưa thích, Shark Phú đề nghị đầu tư 6 tỷ đồng đổi lấy 50% cổ phần của Velasboost với câu nói viral: “Chỉ cần bọn em tập trung vào phát triển sản phẩm, tiền không quan trọng… Còn thiếu đâu anh lo”.
Hơn một năm sau khi chương trình phát sóng, mặc dù không nhận được khoản đầu tư từ Shark Phú do đôi bên không tìm được tiếng nói chung về đường hướng phát triển, nhưng VelasBoost đã chinh phục được mốc doanh thu - lợi nhuận mới.
30 tuổi với 10 năm kinh nghiệm kinh doanh, Lê Hải Vũ, CEO VelasBoost, đầy tự tin và nhiệt huyết khi nói về giấc mơ mình đang theo đuổi trong cuộc trò chuyện ngắn với chúng tôi vào một buổi chiều cuối năm 2023.
Giấc mơ doanh nghiệp thực sự to lớn, nên bao giờ đạt được giấc mơ mua nhà sau cũng được!
Xin chào Lê Hải Vũ, năm vừa qua là một năm khó khăn với ngành bán lẻ nói chung và ngành công nghệ nói riêng. Là một doanh nghiệp bán phụ kiện, Velasboost có bị ảnh hưởng nhiều không?
May mắn là doanh nghiệp của mình đã có một năm 2023 không tệ. Doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng gấp đôi so với năm ngoái. Số lượng nhân sự hiện nay gần 60 người.
So với thời điểm lên Shark Tank gọi vốn (năm 2022), quy mô của VelasBoost còn đang rất nhỏ...
Vâng. Và từ đó đến nay, quy mô doanh thu của VelasBoost đã gấp hơn chục lần, hiện tại có khoảng 1.500 mặt hàng và số lượng bán ra năm vừa rồi rơi vào 400.000 sản phẩm.
Được biết, doanh nghiệp chưa được rót vốn sau chương trình Shark Tank, trong khi thương mại sản xuất là lĩnh vực cần nhiều vốn. Vậy nguồn vốn từ đâu để VelasBoost tăng trưởng mạnh được như vậy?
Tôi "all in" tất cả những gì mình có vào công ty (cười). Hiện giờ đúng là tôi không có gì ngoài công ty, tất cả vốn liếng, tài sản, thời gian, suy nghĩ, tâm sức,... đều nằm hết ở công ty. Bản thân gia đình tôi vẫn ở nhà thuê.
Đầu tư cho công ty tôi không tiếc gì cả, sẵn sàng bỏ tiền tỷ đầu tư vào phần mềm phục vụ công việc nhưng nghĩ rút tiền từ kinh doanh ra mua nhà lại cảm thấy cứ từ từ. Ước mơ của mình càng lớn thì càng muốn dốc hết ruột gan cho doanh nghiệp. Đặc biệt là làm thương mại - sản xuất, không có chuyện tiền ít mà số lên được, không đầu tư vốn thì không thể phát triển và mở rộng.
Với tôi, giấc mơ xây dựng và phát triển một doanh nghiệp có những sản phẩm tốt, Make in Việt Nam thực sự to lớn, nên bao giờ đạt được giấc mơ thì mua nhà sau cũng được!
"Apple họ bán đắt được vì không có Apple thứ hai. Còn đa phần các doanh nghiệp hiện tại trên thị trường là: có ông, có tôi và có rất nhiều người khác cùng tranh nhau một miếng bánh"
Nhìn lại hành trình 10 năm kinh doanh của mình, Vũ sự thay đổi nào là lớn nhất?
Khi mới là sinh viên năm thứ hai của trường Ngoại thương, tôi đã tập tành kinh doanh bằng việc mua đi bán lại điện thoại cũ cho bạn bè, người quen. Sau đó, chuyển sang bán phụ kiện, tính ra thâm niên cũng cả chục năm và tôi rất tự tin về việc am hiểu sản phẩm, thị trường, khách hàng.
Tuy nhiên, càng trưởng thành, tôi càng hiểu được sự khác biệt giữa kinh doanh và đi buôn. Đi buôn đơn giản chỉ là kiếm chênh lệch từ giá, mua rẻ và bán cao hơn. Điều này ngày càng trở nên kém bền vững khi phương thức bán hàng truyền thống thay đổi. Còn để làm kinh doanh, tôi buộc phải xây dựng những giá trị bền vững, trong đó chất lượng sản phẩm là cốt lõi.
Tôi không mong muốn kiếm được nhiều tiền bằng những lời quảng cáo hoa mỹ nhưng không có thật mà muốn tạo ra những sản phẩm tốt, được người tiêu dùng công nhận. Tất nhiên phải duy trì được biên lợi nhuận vừa đủ, nhưng khách hàng phải hài lòng.
Tôi là người luôn có chủ trương tiết giảm tối đa chi phí quảng cáo, marketing để không đội giá sản phẩm. Tôi theo đuổi quan điểm về giá trị thực là sản phẩm. Các thương hiệu mới, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ, nếu định giá quá cao cho những giá trị không cốt lõi, theo tôi là không hợp lý.
Apple họ bán đắt được vì không có Apple thứ hai. Còn đa phần các doanh nghiệp hiện tại trên thị trường là có ông, có tôi và có rất nhiều người khác cùng tranh nhau một miếng bánh.
Bạn tâm huyết với việc tạo ra sản phẩm của mình đến đâu?
Tâm huyết chứ! Tính tôi không chịu được người khác chửi nên muốn không bị chửi chỉ có cách làm ra sản phẩm thật tốt. Đó có thể là điểm yếu nhưng lại là động lực để tôi theo đuổi cốt lõi là chất lượng sản phẩm.
Tôi cũng tập trung nhiều vàoviệc R&D sản phẩm mới. Chẳng hạn vừa qua chúng tôi ra mắt ổ cắm thông minh. Sản phẩm bán được 2.000 chiếc trong vòng 2 tháng, chưa có lãi nhưng là thử nghiệm. Đúng hay sai thì phải làm mới nhận được câu trả lời của thị trường.
Chiến lược của VelasBoost đang theo đuổi là có danh mục sản phẩm thiết yếu với nhiều sản phẩm (hiện nay danh mục SKU đang có tới 1.500 sản phẩm) xoay quanh các mặt hàng phụ kiện, đồ gia dụng với mức giá cạnh tranh như Trung Quốc. Tôi cũng muốn như Sunhouse, một khi làm sản phẩm thì người khác không muốn nhảy vào.
Bằng cách nào giá của VelasBoost có thể tự tin "rẻ như Trung Quốc" trong khi các bạn không nắm trong tay nhà xưởng sản xuất?
Điều đầu tiên, với chúng tôi, muốn có được giá cả cạnh tranh, bắt buộc phải sản xuất ở Trung Quốc. Một thực tế là muốn phát triển công nghệ ở một quốc gia thì phải kèm theo rất nhiều thứ, từ kiến thức, trình độ kỹ thuật tới nền công nghiệp phụ trợ phía sau... Nếu chọn Việt Nam để làm tất cả, từ nghiên cứu, sản xuất thì sẽ phải đối mặt với vấn đề nguyên vật liệu, giá thành, mẫu mã, công nghệ và quan trọng nhất là chi phí, nếu tự sản xuất ở trong nước sẽ chưa thể tối ưu tất cả.
Bên cạnh giá thành sản xuất thì những chi phí như vận chuyển, logistic, kho bãi, marketing... cũng đội giá sản phẩm lên. Chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ, quy trình vận hành tối ưu được chi phí logistic, kho bãi, marketing... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng trực tiếp bán, cắt giảm các chi phí trung gian như đại lý.
Cuối cùng, vốn trong kinh doanh hiện nay chủ yếu là vốn tự có, ít sử dụng vốn vay nên không chịu gánh nặng về chi phí tài chính.
Các bạn kiểm soát chất lượng sản phẩm bằng cách nào?
Điều kiện tiên quyết là sản xuất mẫu. Thực tế thì chúng tôi cũng đã mất tiền nhiều lần về việc nhà sản xuất không thể làm được sản phẩm mẫu theo yêu cầu. Sau khi duyệt được hàng mẫu, mới tiến hành sản xuất hàng loạt, nhưng vẫn phải theo dõi liên tục sản phẩm bán ra để cải tiến và nâng cấp.
Bên cạnh đó, sau khi nhận hàng, bên tôi có bộ phận kỹ thuật làm thủ tục nữa kiểm tra QC lần hai với một tỷ lệ random nhất định. Khách hàng được quyền một đổi một với những sản phẩm có hư hỏng, lỗi,...
Được biết hiện nay VelasBoost đã chuyển sang bán online 100%, vậy bằng cách nào các bạn quản lý tốt các chi phí quảng cáo ngày càng cao khi bán hàng qua các nền tảng trung gian?
Bản thân tôi có lợi thế khi là một KOL công nghệ có hàng triệu người theo dõi và hệ sinh thái khách hàng của VelasBoost xây dựng nhiều năm khá ổn thế nhưng có thời điểm, chi phí quảng cáo đã từng chiếm 20%-30% doanh thu. Tệ hơn, có giai đoạn VelasBoost rơi vào tình trạng ngắt quảng cáo ngày nào chết ngày ấy.
Giai đoạn khó khăn đó kéo không dài vì chúng tôi đã nhanh chóng chuyển đổi. Chuyển đổi cả về cơ cấu sản phẩm lẫn phương thức bán hàng. Hiểu được Tiktok là cơ hội nên tôi đã xây kênh TikTok, tạo ra các nội dung video liên quan hàng hóa, sản phẩm, chia sẻ, thu hút tệp khách dựa trên content khách cần, từ đó tạo ra traffic. Những sản phẩm media đó được tái sử dụng, đưa vào những kênh khác.
Sau hàng loạt thay đổi để bắt kịp với xu hướng đó, traffic quay trở lại và doanh số bắt đầu tăng lên. Chúng tôi cũng kiểm soát được chi phí quảng cáo chỉ chiếm dưới 5% doanh thu.
Nhờ bắt kịp xu hướng, trong năm qua, TikTok đã đóng góp 20% - 30% vào doanh thu của chúng tôi.
Cảm ơn Lê Hải Vũ về cuộc trò chuyện!