"Không thể xác định chất độc của vụ Skripal chỉ trong 24h"

Tú Oanh |

Cựu lãnh đạo của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) của Liên Hợp Quốc khẳng định, không thể xác định loại chất độc thần kinh được sử dụng để đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal trong thời gian ngắn.

“Bạn không thể xác định loại chất độc nào đã được sử dụng và nó đến từ đâu chỉ trong 24h”, Jose Bustani, nhà ngoại giao Brazil và là Tổng Giám đốc đầu tiên của OPCW, khẳng định khi đề cập đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal trong cuộc phỏng vấn độc quyền với RT (Nga).

Theo RT, trước đó, chính quyền Anh tuyên bố cựu điệp viên Skripal và con gái Yulia bị đầu độc bằng chất độc thần kinh, và cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công, chưa đầy 24h sau khi vụ việc diễn ra vào ngày 4/3 tại Salisbury (Anh).

Ông Bustani cho biết, nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh cuộc điều tra của Anh về vụ Skripal.

“Tại sao họ không gọi ngay cho OPCW? Và tại sao tình nguyện viên của OPCW hành động, trong khi vai trò của tổ chức là hành động ngay lập tức và phân tích các nạn nhân?”, ông Bustani hỏi.

Ông cũng đặt ra nghi vấn, làm sao hung thủ có thể kiểm soát việc sử dụng chất độc thần kinh chỉ trong giới hạn hai người. “Nếu đó là Novichok – như họ đã tuyên bố - không có lý nào không ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh. Có quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời”, vị cựu lãnh đạo OPCW nói.

Nhà ngoại giao Brazil nhấn mạnh, cơ quan giám sát vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc là cơ quan quốc tế được thành lập để thực hiện loại công việc liên quan đến chất độc thần kinh, cũng như có tất cả các điều kiện cần thiết để điều tra bất kỳ trường hợp nào về việc sử dụng chất độc thần kinh.

Theo ông, Anh nên yêu cầu hỗ trợ từ OPCW trước khi đưa ra các cáo buộc chống lại Nga.

Cuối cùng, ông Bustani trấn an Nga nên tin tưởng vào cuộc điều tra của OPCW nếu nó đang được tiến hành chuyên nghiệp.

Trên thực tế sau khi cáo buộc Nga và trong quá trình điều tra, Anh đã yêu cầu OPCW trợ giúp, và đồng ý cho Pháp tham gia vào cuộc điều tra, nhưng lại bác bỏ đề xuất hợp tác và yêu cầu chứng minh các cáo buộc từ phía Moscow. Nga nhiều lần phủ nhận cáo buộc của Anh, tuyên bố họ vô can trong vụ việc và những lời buộc tội đều là hành vi khiêu khích.

Đại diện thường trực của Nga tại OPCW cũng gửi một bức thư tới ban thư ký kỹ thuật. Bức thư gồm 13 câu hỏi về các thỏa thuận của Anh với OPCW, quá trình làm việc của OPCW tại Anh và sự tham gia của Pháp vào việc điều tra.


Jose Bustani giữ vị trí đứng đầu cơ quan giám sát vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc từ năm 1997. Ông bị sa thải vào năm 2002 vì có ý định khuyến khích Iraq tham gia tổ chức, một việc mà Mỹ cật lực phản đối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại