Không thế lực nào có thể ‘vùi chết’ 'Đất rừng phương Nam'

Đỗ Quyên (th) |

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, mọi ý kiến khen chê, bình phẩm là điều kiện cơ bản của hoạt động nghệ thuật, mà nếu thiếu nó thì đời sống nghệ thuật không thể tồn tại, không thể sáng tạo.

Sáng 8/11, câu chuyện xoay quanh bộ phim Đất rừng phương Nam tiếp tục được đem ra chất vấn tại nghị trường Quốc hội.

Không thế lực nào có thể ‘vùi chết’ Đất rừng phương Nam - Ảnh 1.

Cảnh trong phim Đất rừng phương Nam.

Không thế lực nào có thể ‘vùi chết’ Đất rừng phương Nam

Trao đổi với Tiền Phong , nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng cần phải khẳng định câu chuyện xoay quanh phim Đất rừng phương Nam những ngày gần đây thuộc về vấn đề dư luận.

Theo ông Ngô Hương Giang, dư luận khen: có mà phê, chê: cũng có! Đó là điều hết sức bình thường của đời sống văn nghệ. Không phải là vấn đề mang tính cấp thiết liên quan đến an sinh xã hội.

Chuyên gia nhấn mạnh nếu Đất rừng phương Nam là tác phẩm nghệ thuật có giá trị thì không có một thế lực hay ý kiến phê phán nào có thể “vùi chết” được nó. Và thực tế, tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vẫn “sống tốt” trước cơn bão dư luận đa chiều, doanh thu phòng vé vượt mức kỳ vọng.

Mặt khác, một tác phẩm nghệ thuật khi đến với công chúng mà có ý kiến phê bình đa chiều, nghĩa là tác phẩm đó có sức sống, có cá tính nghệ thuật riêng và chạm tới cảm xúc của người xem.

Vì vậy, đừng lấy tiêu chí khen, chê như là thước đo quyết định đến sự tồn vong của tác phẩm nghệ thuật. Khen, chê chỉ là những biểu thị cảm xúc từ nhiều góc nhìn, từ nhiều trải nghiệm thẩm mỹ đối với tác phẩm đó, tuyệt nhiên nó không phải là “thuyết định mệnh” quy định “phẩm chất”, “giá trị” của nghệ thuật.

Không thế lực nào có thể ‘vùi chết’ Đất rừng phương Nam - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang.

Chuyên gia Ngô Hương Giang phân tích thêm, bất cứ một “sự quy chụp” nào đối với tác phẩm nghệ thuật cũng đều để lại cảm xúc tiêu cực không chỉ đối với tác giả làm nên tác phẩm ấy, mà còn ảnh hưởng đến công chúng, xã hội. Bởi quy chụp là hành động đang cố ép một vấn đề khách quan vào ý chí chủ quan của một cá nhân, tổ chức nào đó, chứ không phải là hoạt động phê bình mang tính đóng góp cho nghệ thuật, cho văn hóa.

“Đó là còn chưa bàn đến hệ luỵ để lại đối với tâm lý sáng tạo của người nghệ sĩ, khiến họ trở nên e dè, không dám đổi mới, không dám chịu trách nhiệm với công chúng và thay vào đó, cá tính người nghệ sĩ sẽ bị bó vào vòng an toàn. Mà bạn biết đó, đối với nghệ thuật và người nghệ sĩ thì sự an toàn sẽ không bao giờ cho ra những tác phẩm để đời, có giá trị nhân sinh”, ông Ngô Hương Giang chia sẻ.

Khán giả có quyền khen chê

Theo quan điểm của mình, nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang cho rằng dư luận được xem là “dải ngân hà” chứa đựng kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xã hội, còn tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sĩ chỉ là một ngôi sao trong dải ngân hà đó.

Nếu không có dải ngân hà soi chiếu thì những ngôi sao không thể biết mình sáng hay tối trong biển trời nghệ thuật. Vì vậy sự phê bình của công chúng đối với tác phẩm nghệ thuật giống như nền móng thẩm mỹ, kinh nghiệm sống, soi chiếu vào tác phẩm, để tác phẩm, người nghệ sĩ biết mình có giá trị hay không, có trường tồn được với thời gian, với nhân dân hay không?

Bỏ qua lời bình của công chúng, tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sĩ chẳng khác nào ngôi sao lẻ loi giữa bầu trời đêm của dải ngân hà. Tất nhiên hoạt động bình phẩm ở đây cần xuất phát từ sự khách quan, vô tư và không vụ lợi.

Chuyên gia dẫn chứng, thực tế cho thấy người nghệ sĩ nếu biết lắng nghe những ý kiến phê, chê trái chiều từ dư luận, rồi biến những khen - chê ấy thành hành động sáng tạo thì tác phẩm của họ thường sẽ có bản sắc riêng, có đời sống riêng mà không dễ gì bị thay thế theo thời gian.

“Chẳng hạn như phim Người phán xử khi mới trình chiếu cũng bị cơn bão dư luận đổ ập xuống, thậm chí cũng được đưa ra thảo luận trong nghị trường Quốc hội, song trên thực tế, nó vẫn đứng vững trước thời gian, trước nhận thức nghệ thuật của công chúng và được chiếu đi chiếu lại nhiều lần. Vậy nên hãy xem khen chê, bình phẩm là điều kiện cơ bản của hoạt động nghệ thuật, mà nếu thiếu nó thì đời sống nghệ thuật không thể tồn tại, không thể sáng tạo”, chuyên gia cho hay.

Ông Ngô Hương Giang cũng khẳng định việc khán giả bình phẩm về một tác phẩm nghệ thuật không chỉ đơn thuần là cảm xúc thẩm mỹ, mà còn là quyền ngôn luận cơ bản.

Việc “xử lý” các quan điểm bình luận nghệ thuật của công chúng không những làm giảm vai trò “thẩm định” xã hội đối với tác phẩm, mà còn vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiếp nhận. Đây là điều đi ngược lại với luật văn hóa và các quy tắc nghệ thuật.

“Nếu những quan điểm phê bình, khen chê của khán giả đơn thuần là hoạt động thẩm mỹ, không phải ý đồ chính trị thì việc xử lý đối với công chúng đưa ra quan điểm phê bình không những 'giết chết' cảm xúc của họ, ngược lại sẽ khiến họ quay lưng với điện ảnh, quay lưng với văn hóa nước nhà. Đây là điều không thể chấp nhận”, ông Ngô Hương Giang nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại