"Không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý"

Dy Khoa |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu về chuyện siết chặt tín dụng tại hội nghị hôm 14/7.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hôm 14/7, tại hội nghị Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm là kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá có vai trò rất quan trọng của thị trường bất động sản trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Do vậy, trước những lo ngại về động thái siết vốn vào thị trường này vừa qua, Thủ tướng khẳng định "không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý" nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước.

Thủ tướng nhấn mạnh không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng rà soát, ngăn chặn, phát hiện những hành vi sai phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. "Không để đổ vỡ, bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp", Thủ tướng nói.

Không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn nhà băng tiếp tục cho vay bất động sản theo quy định. Ảnh minh họa: Dy Khoa.

Ông cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo, hướng dẫn các nhà băng tiếp tục cho vay với lĩnh vực bất động sản đúng quy định, đủ tính pháp lý; ưu tiên cho vay với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân đã được cấp phép và khởi công xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường.

Tính đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cuối năm ngoái. Đây được xem là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung với nền kinh tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất để ban hành quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, đối với hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản. Từ đó, hạn chế tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần; hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ bất động sản và chống thất thoát nguồn thu của Nhà nước.

Không siết chặt tín dụng bất động sản là điều mong mỏi

Từ đầu tháng 3 năm nay, một ngân hàng thương mại lớn đã ra thông báo tạm dừng cho vay lĩnh vực bất động sản (bắt đầu manh nha khái niệm "siết chặt tín dụng bất động sản"). Khi đó, đơn vị này yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch không cấp tín dụng với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay cán bộ, công nhân viên và người mua, xây, sửa bất động sản để ở.

Khi đó, lãnh đạo ngân hàng này cho rằng họ có thể có điều chỉnh chính sách cho vay bất động sản trong từng thời điểm, chứ không tạm ngưng trong thời gian lâu dài.

Không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý - Ảnh 2.

Siết chặt tín dụng bất động sản diễn ra từ đầu năm nay đã khiến cục diện thị trường bất động sản trong nước có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa: Dy Khoa.

Tiếp sau là hàng loạt ngân hàng khác thực thi siết chặt tín dụng bất động sản. Nhiều tình huống dở khóc, dở cười đã xuất hiện từ đây.

Chủ đầu tư sẽ không có cơ hội để tiếp cận được nguồn vốn vay, để triển khai dự án. Các dự án bị đình trệ, ảnh hưởng đến nguồn cung bất động sản trên thị trường khiến thị trường bị đóng băng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của toàn bộ nền kinh tế. Về phía người tiêu dùng cuối, siết chặt tín dụng bất động sản sẽ làm khan cung, đẩy giá nhà đất lên cao khiến người có thu nhập thấp, công nhân lao động khó tiếp cận cơ hội nhà ở.

Theo một báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản giảm dần từ trên 26% năm 2018 xuống 12% năm 2020, thấp hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế. 

Cụ thể, đến cuối năm 2021 dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2 triệu tỷ đồng, tăng 12% nhưng thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Trong khi đó, hết quý 1/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 783.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với giai đoạn trước đây.

Không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý - Ảnh 3.

Nếu tình hình siết chặt tín dụng bất động sản không đổi, thị trường sẽ có biến động mới. Thậm chí viễn cảnh bán tháo và thị trường bất động sản đứng yên là có thể xảy ra. Ảnh minh họa: Dy Khoa.

Và thực tế đã cho thấy tình trạng thị trường bất động sản đã gần như đứng yên trong các tháng qua. Theo DKRA Việt Nam, thanh khoản bất động sản ở thị trường thứ cấp trong quý 2/2022 xuống thấp, giá giảm cục bộ ở một số dự án hết chương trình ân hạn nợ gốc.

Nhiều người có nhu cầu thực sự mua nhà để ở cũng than vãn vì khó được ngân hàng thương mại phê duyệt cho vay. Nếu tình hình siết chặt tín dụng bất động sản kéo dài thêm 6 tháng nữa thì giá một số bất động sản có thể sẽ lao dốc. 

Một phần nguyên nhân do chủ đầu tư hoặc chủ nhà "đói" tiền hoặc không xoay kịp tiền. Viễn cảnh giảm giá bán tháo là điều không ai muốn thấy khi nhìn vào một thị trường bất động sản lành mạnh.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại