"Không phụ thuộc Google, cuộc sống của tôi dễ dàng hơn"

Tâm An |

Trong khi xã hội ngày càng phát triển dựa vào những hệ sinh thái công nghệ, một nhà báo châu Á đã chọn cho mình lối sống không phụ thuộc vào gã khổng lồ Google.

18 tháng trước, Nithin Coca – một nhà báo tự do chuyên các vấn đề về châu Á - đã đặt ra cho bản thân một thử thách. Đó là ngưng hoàn toàn việc sử dụng các sản phẩm của một đại gia công nghệ: Google.

Thử thách nghe chừng đơn giản, nhưng thực tế lại là một thách thức lớn khi hệ sinh thái Google đang bao phủ gần như toàn bộ đời sống công nghệ của ông, cũng như tất cả mọi người.

Không phụ thuộc Google, cuộc sống của tôi dễ dàng hơn - Ảnh 1.

Vạn sự khởi đầu nan

Thời gian đầu, Nithin khá vất vả trong việc khiến những người xung quanh sử dụng một công cụ không phải của Google. Bởi dù cho bạn có chia tay với đại gia công nghệ này thì gần như cả xã hội xung quanh bạn vẫn sẽ tìm cách giao tiếp với bạn qua Google. Không có tài khoản Google, bạn không thể nhận những lịch hẹn qua Google Calendar, dùng Google Maps tìm đường đi (và giao diện trên trình duyệt di động thì rất tệ), nhận cuộc gọi qua Google Hangouts. Thậm chí chúng ta còn không thể thay đổi ngôn ngữ mặc định nếu không đăng nhập tài khoản.

Nithin cho biết anh đã mất đến 6 tháng để tìm đủ các công cụ thay thế cho những gì bản thân đã dùng suốt 10 năm qua. Nhưng chỉ một năm sau đó, anh tuyên bố rằng mình "chưa phải quay lại dùng bất kỳ sản phẩm nào của Google". Thậm chí Nithin cho rằng có nhiều công cụ còn khiến cho cuộc sống của anh trở nên dễ dàng hơn nhiều so với khi dùng sản phẩm của Google.

"Tôi cảm thấy mình đang có toàn quyền kiểm soát dữ liệu và sự hiện diện số của mình, tự do dùng những công cụ mới và trở thành một phần trong cộng đồng đang tìm cách khôi phục sự cạnh tranh, quyền riêng tư và tự do mạng toàn cầu", Nithin chia sẻ.

Không phụ thuộc Google, cuộc sống của tôi dễ dàng hơn - Ảnh 2.

Nithin Coca - phóng viên tự do - đã trải nghiệm lối sống không phụ thuộc vào Google hơn một năm qua.

Tuy rất muốn dứt khoát nhưng Nithin vẫn chưa thể cắt đứt hoàn toàn với "tình cũ". Trong công việc của anh, một tài khoản Google đôi khi như một cuốn hộ chiếu để được "thông quan". Anh từng được mời tham gia một cộng đồng phóng viên, nhưng điều đầu tiên được hỏi khi đăng ký là: "Tài khoản Google là gì?", sau đó được yêu cầu phải tạo một cái. Sau nhiều lần trao đổi qua lại, Nithin cũng đã trở thành thành viên của nhóm, nhưng lại tiếp tục gặp khó khăn khi đa phần mọi người đều tương tác qua Google.

Nithin cho biết có hai sản phẩm Google anh vẫn phải sử dụng, dù đã hạn chế hết mức, là Docs và Youtube. Là một nhà báo tự do, Nithin thường xuyên gửi bài cộng tác với các đơn vị báo chí trên khắp thế giới. Trong khi hầu hết tòa soạn không dùng Google Docs vì những lý do bảo mật, vẫn có những nơi xây dựng hệ thống xuất bản tin bài kết nối với Docs. Nithin buộc phải tạo một tài khoản để cộng tác với các tờ báo này. 

Hay một nền tảng của Google gần như không có sự thay thế chính là Youtube. Anh vẫn phải tìm kiếm tư liệu video về các cuộc họp báo, sự kiện hay biểu tình từ Youtube. Một số nội dung nhạy cảm cũng yêu cầu người xem phải đăng nhập để chứng thực độ tuổi.

Không phụ thuộc Google, cuộc sống của tôi dễ dàng hơn - Ảnh 3.

Youtube gần như là nền tảng video trực tuyến chưa có sự thay thế.

"Google đang nhốt chúng ta trong bộ dịch vụ liên kết của nó, khiến cho việc chia tay trở nên khó khăn đến mức nhiều người còn không buồn thử vì cho rằng đây là công ty lớn nhất, công cụ của họ phải là tốt nhất rồi", Nithin chia sẻ. Điều này có thể đúng trong nhiều trường hợp, nhưng không phải là tất cả. Chẳng có công cụ duy nhất nào có thể phù hợp với cả thế giới vẫn còn đó những con người khác nhau, văn hóa khác nhau và cách thức giao tiếp khác nhau.

Hướng đến lối sống không phụ thuộc

Ở trong hệ sinh thái Google, chúng ta buộc phải dùng, hoặc không dùng, những sản phẩm của họ. Và khi Google bỏ đi một sản phẩm nào đó, thì dù cho rất thích ứng dụng cũ, bạn buộc sử dụng một thứ mới mẻ mà công ty này đưa ra thay thế. Và vì đại đa số người dùng Google đều "xài chùa", nó cũng đồng nghĩa với việc các quyết định thay đổi của họ không được đưa ra theo nhu cầu người dùng, mà nó phụ thuộc vào mong muốn phát triển doanh thu trong việc khai thác dữ liệu hay quảng cáo của chính doanh nghiệp này.

Không phụ thuộc Google, cuộc sống của tôi dễ dàng hơn - Ảnh 4.

Thực tế có rất nhiều công cụ có thể thay thế cho Google.

Theo Nithin, anh không phải người "anti-Google". Chỉ đơn giản là anh muốn được tự do lựa chọn dịch vụ và không bị phụ thuộc vào một công ty duy nhất. Anh không thích việc một công ty – trong trường hợp này là Google - đang bành trướng thế lực trong đời sống số theo cách mà không doanh nghiệp nào làm được. Sự thống trị của một công ty như vậy phản ánh những vấn đề lớn hơn của Internet và cách thức mà một vài công ty đa quốc gia lớn đang kiểm soát Internet.

Nithin không phải người duy nhất không muốn bản thân bị mắc kẹt trong một hệ sinh thái công nghệ như Google. Chiến dịch tranh cử đầu năm 2019 của nữ nghị sĩ Elizabeth Warren thậm chí còn lên kế hoạch "chia tay" các đại gia công nghệ. Tháng trước, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố một bản đánh giá về chống độc quyền trong lĩnh vực công nghệ. Ở châu Âu và Nhật Bản cũng có những làn sóng về vấn đề này.

Khi những sự cố về quyền riêng tư của người dùng Internet xuất hiện tràn lan như hiện nay, số lượng người dùng như Nithin sẽ càng tăng lên. Câu chuyện về một thế giới "Google-free" sẽ có nhiều chuyển biến mới.

Theo Medium

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại