Nhiều chuyên gia tin rằng ông Kim muốn có vũ khí hạt nhân không phải là để dùng chúng tấn công Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác. “Lãnh đạo Triều Tiên không điên, ông đã kiểm soát quyền lực tại đất nước mình một cách hiệu quả”, ông Jeffrey Lewis, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu Middlebury (Mỹ) cho biết. “Ông Kim sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ mình, điều này cho chúng ta thấy hiểm họa hạt nhân Triều Tiên là có thật”.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (hàng dưới, ngoài cùng bên trái), Chủ tịch Kim Jong-il (hàng dưới, ngoài cùng bên phải) và các quan chức Triều Tiên.
Ông Lewis cho rằng mục đích của vũ khí hạt nhân không đơn thuần chỉ là nhằm tạo ra mối đe dọa. “Nếu tôi là Kim Jong-un, tôi cũng muốn có vũ khí hạt nhân”, ông Lewis cho biết.
Dưới đây có thể là những nguyên nhân vì sao Triều Tiên muốn chế tạo loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này:
Mỹ đã nhiều lần thất hứa
Một trong những sự kiện lớn nhất tác động đến quan hệ Mỹ - Triều Tiên diễn ra dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush. Đó là những động thái mà họ đã làm đối với Iraq, từng do cựu Tổng thống Saddam Hussein lãnh đạo.
“Làm sao anh có thể trấn an được Triều Tiên khi họ ký một thỏa thuận nào đó rằng họ sẽ không có kết cục giống như Saddam? Thực tế Iraq không có vũ khí hủy diệt hàng loạt, thế nhưng Mỹ vẫn cáo buộc Iraq sở hữu chúng và rồi xâm lược đất nước này”, ông Lewis nói. “Mỹ nhận ra rằng, phải tìm cách để làm rõ với Bình Nhưỡng: nếu họ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, Hoa Kỳ sẽ không xâm lược họ”.
Khi đó, chính quyền Bush cũng dẫn ra một thỏa thuận giải giáp vũ khí hạt nhân mà Libya và Tổng thống khi đó là ông Muammar Gaddafi đã ký kết và cách họ thực hiện cam kết của mình.
“Chúng ta đã có thỏa thuận với Libya, chúng ta đã nói với Triều Tiên rằng mọi chuyện với Libya đang rất tốt, để rồi sau đó quay lưng và lật đổ chính phủ nước này”, ông Lewis nói.
Những chính sách đối ngoại này diễn ra dưới thời lãnh đạo Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un, song đây là điều mà ông không bao giờ quên.
“Tôi cho rằng ông Kim Jong-un đang lo sợ sẽ có kết cục như Saddam Hussein hay Muammar Gaddafi”, ông Lewis nói. “Ông Kim lo sợ rằng Mỹ sẽ "lật kèo", do đó, quyết định rằng vũ khí hạt nhân là cách tốt nhất để phòng bị”.
Có thể vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không có độ tin cậy như vũ khí của Mỹ, song ông Lewis cho rằng đây không phải là vấn đề. “Mọi loại khí tài quân sự từ trước tới nay luôn xuất hiện vấn đề trong giai đoạn phát triển và có thể không hoạt động đúng như thiết kế”, ông Lewis nói. “Nhưng Triều Tiên có đủ nhân lực và kiến thức để phát triển vũ khí và họ đã chứng tỏ mình rất nhiều lần”.
Ảnh chụp cuộc thử nghiệm tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên.
Vũ khí hạt nhân sẽ có lợi về ngoại giao
Vũ khí hạt nhân không đơn giản chỉ là cây gậy để phòng ngừa Mỹ tấn công. Một số báo cáo cho rằng ông Kim muốn có nó để gây sức ép lên Hàn Quốc, buộc hai nước thống nhất với nhau. Tuy nhiên, ông Lewis không cho rằng đây là sự thật.
Điều này có thể là bởi khả năng quân đội Triều Tiên tấn công và làm chủ Hàn Quốc là gần như không có. Chuyên gia người Mỹ cũng nói thêm rằng Triều Tiên không chế tạo vũ khí hạt nhân đủ nhỏ để làm được điều này. Thay vào đó, ông tin rằng Triều Tiên sản xuất vũ khí hạt nhân để cải thiện quan hệ với các quốc gia khác, trong đó có Mỹ.
Ông Lewis đã dẫn ra quá trình phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, và nó phần nào giống với những gì đang diễn ra tại Triều Tiên. Trung Quốc đã cho nổ vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1964 dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson và hai năm sau đó phóng được một đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa. Khi đó giới quan chức Mỹ đều tỏ ra rất quan ngại.
Thế nhưng theo thời gian một điều đáng kinh ngạc đã xảy ra. Khi vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ngăn Mỹ không có hành động quân sự, Trung Quốc đã có hai lựa chọn: hoặc tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân với tốc độ nhanh chóng hoặc xây dựng ngoại giao quốc tế.
Trung Quốc đã chọn lựa chọn thứ hai. Theo ông Lewis, lý do là bởi “những người muốn có vũ khí hạt nhân ở Trung Quốc đều muốn có quan hệ tốt hơn với Mỹ”. Với minh chứng này, ông Lewis tin rằng động cơ của Triều Tiên nhằm phát triển vũ khí hạt nhân có thể không xấu như nhiều người nghĩ.
Tuy vậy, tương lai của Triều Tiên vẫn còn phụ thuộc vào lãnh đạo của mình. “Rất có thể họ sẽ lợi dụng những lợi ích của vũ khí hạt nhân và dùng nó cho những mục đích không tốt, ví dụ như đánh chìm tàu Hàn Quốc, tập kích đảo của Hàn Quốc”, ông Lewis nói. “Điều này còn phụ thuộc vào việc Triều Tiên sẽ làm gì với vũ khí hạt nhân”.
Thay vì mong đợi điều xấu nhất, ông Lewis cho rằng toàn thế giới nên có cái nhìn trung lập đối với sự hiện diện của vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên. “Anh không muốn dự đoán một cách vội vàng trước vấn đề nghiêm trọng như vậy và bỏ qua khả năng hòa bình có thể có”, ông Lewis nói.
Ông Lewis đưa ra nhận định này trong bối cảnh Tổng thống Trump hi vọng phát triển vũ khí hạt nhân thêm nữa, trong khi quân đội Mỹ tiếp tục huấn luyện để đối phó với một cuộc xung đột có thể xảy ra tại bán đảo Triều Tiên.