Báo cáo mới nhất về tình hình thu hút FDI của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho hay, tính đến hết tháng 11 năm 2024, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 3.035 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 1,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 17,39 tỷ USD (tăng 0,7% so với cùng kỳ).
Số lượt dự án điều chỉnh vốn là 1.350 lượt (tăng 12,9% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 9,93 tỷ USD (tăng 40,7% so với cùng kỳ). Ngoài ra, có 3.029 giao dịch góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 7% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,06 tỷ USD (giảm 39,7% so với cùng kỳ).
Theo ngành nghề đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 64,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 8,7% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,63 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,37 tỷ USD và hơn 1,12 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác
Xét theo đối tác đầu tư, báo cáo cho biết, đã có 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9,14 tỷ USD, chiếm hơn 29,1% tổng vốn đầu tư, tăng 53,7% so với cùng kỳ 20231. Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 3,89 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư, giảm 9% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản,…
Đáng chú ý, trong top 10 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất 11 tháng 2024, vốn đầu tư FDI từ quần đảo Cayman (Cayman Islands) vào Việt Nam tăng mạnh. Cụ thể, trong 11 tháng năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký từ quần đảo Cayman đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng hơn 550% so với cùng kỳ (tương đương cao gấp 5,5 lần), xếp thứ 7 trong tổng số 110 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam trong 11 tháng 2024.
Quần đảo Cayman (Cayman Islands) là quần đảo thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nằm ở phía Tây vùng biển Caribe. Quần đảo này nổi tiếng là một trong những trung tâm tài chính lớn trên thế giới và là điểm đến du lịch hấp dẫn.
Theo số liệu từ Liên Hiệp Quốc, năm 2023, dân số của quần đảo đạt khoảng 81.500 người, với GDP danh nghĩa đạt 6,68 tỷ USD, đưa GDP bình quân đầu người lên mức ấn tượng 91.419 USD, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tăng trưởng kinh tế thực tế đạt 2,4%, được thúc đẩy bởi ngành dịch vụ tài chính và du lịch. Với môi trường kinh doanh thuận lợi, quần đảo này tiếp tục là điểm thu hút các tổ chức tài chính và nhà đầu tư toàn cầu.
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,3%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 22,4%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25,0%).
Tính lũy kế đến tháng 11 năm 2024, cả nước có 41.720 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 496,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 318,9 tỷ USD, bằng 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo đối tác đầu tư, tính đến hiện tại, có 147 quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 89,1 tỷ USD (chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 82,3 tỷ USD (chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc).
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 299,8 tỷ USD (chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 72,5 tỷ USD (chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 41,7 tỷ USD (chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư).