Không phải sầu riêng, một sản vật triệu đô của Việt Nam khiến người Hoa Kỳ mê mẩn: xuất khẩu đột biến hơn 1.000%, diện tích trồng gần 190.000 ha

Khánh Vy |

Việt Nam là nhà cung loại quả này lớn thứ 3 cho Hoa Kỳ với mức giá cực cạnh tranh.

10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 6,16 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi thị trường Trung Quốc giảm nhập, Hoa Kỳ lại đẩy mạnh thu mua trái cây, rau quả của Việt Nam. Trong đó nổi bật là trái dừa.

Hoa Kỳ là nước tiêu thụ chính các sản phẩm từ dừa, với nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm chế biến từ dừa như nước dừa, dầu dừa và bột dừa. Hoa Kỳ nhập khẩu một lượng lớn dừa quanh năm để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 8 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ nhập khẩu dừa tươi, đã bóc vỏ hoặc chưa bóc vỏ (trừ phần vỏ bên trong) (mã HS 080119) đạt 44,91 nghìn tấn, trị giá 47,35 triệu USD, tăng 11,5% về lượng và tăng 18,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

8 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ nhập khẩu dừa tươi, đã bóc vỏ hoặc chưa bóc vỏ (trừ phần vỏ bên trong) từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các nguồn cung dừa chủ yếu cho Hoa Kỳ gồm: Mexico, Thái Lan, Việt Nam, Costa Rica, Dominica.

Theo ITC, 8T/2024, thị phần dừa của Thái Lan trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm từ 31,99% trong 8 tháng năm 2023 xuống 24,44% trong 8 tháng đầu năm 2024.

Ngược lại, Hoa Kỳ tăng mạnh nhập khẩu dừa từ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng đột biến 1.155,6% về lượng và tăng 933,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt xấp xỉ 3,86 nghìn tấn, trị giá 3,94 triệu USD.

Thị phần dừa của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng từ 0,76% trong 8 tháng đầu năm 2023 lên 8,59% trong 8 tháng đầu năm 2024. Năm ngoái, Việt Nam chỉ đứng thứ 5 thì năm 2024, Việt Nam đã vươn lên thành nhà cung cấp dừa lớn thứ 3 cho Hoa Kỳ.

Ngược lại với sản lượng và kim ngạch, Việt Nam là quốc gia duy nhất có giá bán giảm, đạt 1.020 USD/tấn. Mức giá này rẻ hơn hầu hết các thị trường khác, trừ Mexico.

Năm 2023, Hoa Kỳ chính thức mở cửa thị trường cho quả dừa tươi của Việt Nam. Hoa Kỳ yêu cầu dừa tươi non của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ phải được lột bỏ toàn bộ lớp vỏ xanh và ít nhất 75% lớp xơ dừa. Việc đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ phía thị trường Hoa Kỳ đã mở ra triển vọng cho ngành dừa Việt Nam.

Ngoài dừa, nhiều sản phẩm trái cây, rau củ của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng như chanh leo, xoài,...

Tiềm năng đối với mặt hàng dừa của Việt Nam còn rất lớn. Hiện tại, ngành dừa Việt Nam có vị trí quan trọng trên thế giới với diện tích trên 188 nghìn ha. Diện tích dừa Việt Nam chiếm 1,67% diện tích trên thế giới, 2,07% diện tích dừa châu Á. Tốc độ tăng diện tích dừa của Việt Nam khá cao, năm 2010, diện tích dừa Việt Nam xếp thứ 6 trên thế giới thì đến năm 2021, diện tích dừa Việt Nam đã xếp thứ 5 trên thế giới.

Cây dừa đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân và tạo ra giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đã đạt trên 900 triệu USD. Ngành dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới.

Hiện cả nước có khoảng 854 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau như: chế biến vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa, nước dừa... giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại