Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu dầu thô về Việt Nam trong tháng 1 đạt hơn 1,4 triệu tấn với trị giá hơn 814 triệu USD, tăng 7,9% về lượng nhưng giảm 2,9% về trị giá so với tháng trước đó. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, lượng nhập khẩu tăng 30% và trị giá tăng 19,1%.
Giá nhập khẩu bình quân đạt 582 USD/tấn, giảm 20% so với tháng 12/2023.
Trong tháng 1, phần lớn dầu thô của Việt Nam chỉ đến từ Kuwait – một trong những quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Cụ thể lượng dầu thô nhập khẩu từ quốc gia này đạt hơn 1,092 triệu tấn với trị giá hơn 645 triệu USD, tăng 33% về lượng và tăng 15,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Giá nhập khẩu đã chứng kiến mức giảm 10% so với tháng trước đó.
Trong năm 2023, nước ta đã nhập khẩu từ Kuwait hơn 9 triệu tấn dầu thô, trị giá hơn 5,58 tỷ USD, tăng 7% về lượng nhưng giảm mạnh 34% về trị giá so với năm 2022. Giá nhập khẩu bình quân trong năm 2023 đạt 618 USD/tấn, giảm 17% so với năm 2022.
Theo OPEC, Kuwait có trữ lượng dầu đã được chứng minh là 101,5 tỷ thùng. Quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này sản xuất từ 2,4 triệu đến 2,67 triệu thùng dầu mỗi ngày và xuất khẩu khoảng 1,7 triệu thùng/ngày.
OPEC cho biết các quốc gia thành viên quyết định gia hạn các khoản cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2024, nhằm đạt được và duy trì sự ổn định cho thị trường dầu mỏ, đồng thời đưa ra hướng đi dài hạn cho thị trường. Cụ thể là, Saudi Arabia sẽ gia hạn việc tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7/2023 đến cuối quý I/2024. Nga sẽ cắt giảm 500 nghìn thùng/ngày đến tháng 3/2024, tăng so với mức 300 nghìn thùng/ngày hiện nay.
Trong khi đó Tập đoàn Dầu khí Kuwait có kế hoạch tăng năng lực sản xuất lên tới 4 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2030. Điều này cho thấy Kuwait không đặc biệt lo lắng về những dự báo sụt giảm nhu cầu dầu mỏ.
Không chỉ riêng dầu thô, các sản phẩm dầu mỏ của Kuwait cũng đang ngày càng trở nên 'đắt hàng'. Theo dữ liệu theo dõi tàu biển từ công ty phân tích Kpler được Reuters trích dẫn, trong tháng 2, xuất khẩu dầu mazut từ Kuwait đạt mức cao kỷ lục khoảng 720.000 tấn, tương đương 158.000 thùng/ngày.
Còn theo số liệu từ LSEG, xuất khẩu dầu mazut của Kuwait trong tháng 2 đạt khoảng 516.000 tấn, đây là sản lượng xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 3/2016.
Kể từ khi nhà máy lọc dầu Al-Zour được đưa vào vận hành vào cuối năm 2022, Kuwait đã trở thành ông trùm xuất khẩu dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp (VLSFO) và dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao (HSFO), chủ yếu được sử dụng làm nhiên liệu trong vận tải biển.
Trong tổng lượng dầu nhiên liệu xuất khẩu được Kpler ước tính trong tháng này, 60% là VLSFO và 40% còn lại là HSFO.
Trong năm 2024, OPEC giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Trong báo cáo thị trường dầu mỏ được công bố ngày 13/12/2023, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm đáng kể so với mức tăng dự báo 2,46 triệu thùng/ngày trong năm 2023.