Không phải lông trâu, Yết Kiêu có tài "lặn như thần" là nhờ 1 người phụ nữ

Lê Thái Dũng |

Yết Kiêu là dũng tướng nổi tiếng về tài bơi lặn, tuy nhiên ít ai biết rằng khả năng siêu phàm đó của ông có được là nhờ sự dạy dỗ của một người phụ nữ.

Một thoáng chân dung Yết Kiêu trong sử sách

Chính sử không ghi chép gì về tên tuổi thật cũng như quê quán, xuất thân của Yết Kiêu mà chỉ cho biết rằng: "Hưng Đạo Vương có người gia nô là Yết Kiêu và Dã Tượng, từng được đối đãi rất hậu" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Còn theo truyền tụng tại địa phương làng Hạ Bì, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, lộ Hải Đông (nay là thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) thì Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, xuất thân trong gia đình làm nghề đánh cá, từ nhỏ đã phải lăn lộn trên sông nước, kiếm ăn nuôi gia đình.

Sau Yết Kiêu theo hầu Trần Hưng Đạo rồi cùng với Dã Tượng trở thành cận vệ trung thành, tài trí và mưu lược của Quốc công Tiết chế triều Trần và được khen ngợi rằng: "Chim Hồng hộc bay được cao và xa là nhờ 6 cái trụ lông cánh, nếu không khác gì chim thường. Yết Kiêu, Dã Tượng là cánh chim hồng hộc của ta".

Không phải lông trâu, Yết Kiêu có tài lặn như thần là nhờ 1 người phụ nữ - Ảnh 1.

Nhờ lập nhiều công lao mà Yết Kiêu được triều đình nhà Trần ban danh hiệu: "Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân".

Ai là sư phụ của Yết Kiêu?

Tại làng Kiến Xá ở xứ Sơn Nam xưa (nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có một ngôi đền thờ gọi là đền "bà chúa Bơi".

Đền là nơi thờ phụng một phụ nữ, người ta không rõ bà tên họ thật là gì, chỉ biết rằng bà là con nhà nhiều đời làm nghề đánh cá trên sông nước nên từ nhỏ đã rất giỏi bơi lặn.

Người ta đồn rằng bà có thể ở dưới nước cả ngày, lặn xuống sông hàng giờ, không ít người đã thử tài đua sức với bà trong việc bơi lặn nhưng cuối cùng đều phải lắc đầu chịu thua, chính vì thế mà được mọi người nể phục, tôn gọi là "bà chúa Bơi".

Cũng vì kính trọng "bà chúa Bơi" nên người dân trong làng không ai gọi thẳng tên họ của bà, vì thế qua nhiều đời tên tuổi của người phụ nữ này đã bị mai một, quên lãng; người ta chỉ quen gọi là "bà chúa Bơi".

Ngoài ra, vì thuở còn con gái, bà chúa hay mặc yếm đỏ nên dân còn gọi là "bà chúa Đỏ" và cũng vì lý do đó mà đàn bà, con gái làng Kiến Xá có tục kiêng mặc yếm đỏ.

Truyền rằng, "bà chúa Bơi" chính là mẹ nuôi của Yết Kiêu; khi còn hàn vi, Yết Kiêu thường kiếm sống bằng nghề sông nước, nay đây mai đó ở nhiều bến sông, cửa bể.

Do cơ duyên, tình cờ Yết Kiêu gặp "bà chúa Bơi"; thấy cậu bé thông minh, nhanh nhẹn, tuổi còn trẻ mà chịu khó, gan dạ nên lấy làm yêu mến, bà đã nhận Yết Kiêu làm con nuôi và dạy dỗ thêm các kỹ năng bơi lặn, nhờ đó mà sau này ông đã trở thành một "kình ngư" lẫy lừng trong lịch sử, "nhập thủy như phúc bình địa hỹ" (bơi dưới nước như đi trên đất bằng).

Không phải lông trâu, Yết Kiêu có tài lặn như thần là nhờ 1 người phụ nữ - Ảnh 2.

Bà chúa Bơi vẫy vùng trong sóng nước. (Hình minh họa – Nguồn: artvn)

Viết về tài bơi lặn của Yết Kiêu, dã sử và sách như thường ghi chép một câu chuyện huyền ảo để lý giải cho tài năng kỳ lạ của ông; thí dụ như sách Hải Dương phong vật chí chép như sau: "Yết Kiêu có sức khỏe, gặp lúc có hai con trâu húc nhau trên bãi biển, ông dùng cái đầm đất mà đánh, chúng chạy xuống biển.

Khi nhìn lại, thấy có mấy cái lông trâu dính vào cái đầm, ông cho là vật thiêng bèn nuốt chửng, từ đấy lội xuống nước cũng dễ dàng như đi trên đất bằng".

Thực ra, Yết Kiêu bơi lặn giỏi một phần từ nhỏ đã làm quen với sông nước, sau lại được mẹ nuôi dạy dỗ, chỉ bảo thêm chứ đâu phải nhờ vào mấy lông trâu thần như người đời thêu dệt qua câu chuyện huyễn hoặc nói trên.

Với tài năng của mình Yết Kiêu đã tham gia nhiều trận đánh, có góp sức không nhỏ trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược vào năm Ất Dậu (1285) và Mậu Tý (1288).

Chuyện kể rằng ông từng về làng Kiến Xá mời mẹ nuôi tham gia đánh giặc và bà đã nhận lời, cùng lên đường ra trận. Không may trong một trận ác chiến, "bà chúa Bơi" bị tử trận, xác bà trôi theo dòng sông Nhị Hà (sông Hồng) rồi về đến làng Kiến Xá thì dạt vào bờ.

Dân làng biết tin vội vớt xác bà lên làm lễ chôn cất chu đáo, sau thấy có sự linh ứng, người dân đã xây lăng mộ và lập miếu thờ.

Hàng năm, vào ngày 24 tháng 8 âm lịch, dân làng Kiến Xá lại mở hội và không thể thiếu tục bơi chải để tưởng nhớ "bà chúa Bơi".

Bơi chải có hai cách khác nhau, bơi chải dưới nước diễn ra vào buổi sáng, các tay bơi của làng xuất phát từ bến sông làng, bơi đến làng Bồng Lai (xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư) làm lễ tại đền thờ Yết Kiêu, đến trưa thì bơi về.

Buổi chiều cùng ngày, dân làng tập trung tại đền "bà chúa Bơi" để thực hiện nghi lễ bơi chải cạn; người tham gia đầu và lưng quấn khăn hoặc dây bằng vải đỏ, tay cầm đôi bơi chèo ngắn làm động tác chèo theo hiệu lệnh của tiếng trống, nhịp nhàng giữa các câu xướng cầu an, như câu:

Giai ta bơi lấy để thờ bà, để bà phù hộ.

Già mạnh khỏe,

Trẻ bình an,

Trâu bò tráng lực!

Khi giặc Nguyên Mông bị đánh bại, triều đình xét công ban thưởng, theo lời tâu của con nuôi bà là Yết Kiêu, vua Trần đã lệnh cho làng Kiến Xá biến miếu thành đền để thờ, lại sắc phong cho "bà chúa Bơi" là "Tuệ Thông trang tĩnh Huyền thiên công chúa đại vương".

Có lẽ cũng vì được triều đình ghi nhận công lao nên người dân còn kính trọng gọi bà là "bà Triều".

Tài liệu tham khảo:

1. Các vị thần thời Trần (Vũ Thanh Sơn)- NXB Quân đội nhân dân, 2011

2. Danh tướng Việt Nam tập 1 (Nguyễn Khắc Thuần) – NXB Giáo dục, 1996

3. Hải Dương phong vật chí (Trần Công Hiến, Trần Huy Phác)- NXB Lao động, 2009

4. Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt (Phạm Cầu, Phạm Hồng chủ biên) – Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam xuất bản năm 2011

5. Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú) – NXB Trẻ, 2014

6. Nữ thần và thánh nữ Thái Bình (Phạm Minh Đức, Bùi Duy Lan) – NXB Thời đại, 2013

7. Viêm Giao trưng cổ ký (Cao Xuân Dục)- NXB Thời đại, 2010

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại