Không phải linh kiện điện tử, BVSC chỉ ra nhóm ngành sẽ trở thành điểm sáng của xuất khẩu Việt Nam năm 2023

Giang Anh |

Trong khi việc xuất khẩu các mặt hàng như máy móc, điện tử được dự đoán sẽ gặp khó khăn, nhóm nghiên cứu BVSC kỳ vọng rằng các mặt hàng nông sản, rau quả sẽ là điểm sáng lớn nhất trong xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 49,46 tỷ USD, tăng 6,1% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2023 ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi nhập khẩu ước đạt 23,58 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%. Cán cân thương mại hàng hóa hai tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD.

Theo đó, báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô mới nhất của CTCK Bảo Việt (BVSC) nhận định, dù ghi nhận tăng trưởng trở lại trong tháng 2, nhưng lũy kế 2 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang thấp hơn so với cùng kỳ, giảm 10,4%. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử máy tính, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép, gỗ, thủy sản vẫn đang giảm so với cùng kỳ năm trước.

Do đó, BVSC cho rằng diễn biến tăng trở lại theo tháng và so với cùng kỳ trong tháng 2 này phần lớn mang tính chất mùa vụ.

"Thêm vào đó, quý đầu năm thường là thời điểm các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu để chuẩn bị cho sản xuất và các đơn hàng xuất khẩu trong năm, việc nhập khẩu vẫn đang giảm mạnh cũng cho thấy triển vọng xuất khẩu vẫn chưa quá khả quan", báo cáo đánh giá.

Cùng với đó, BVSC cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh môi trường tài chính thắt chặt, lãi suất cao, triển vọng tăng trưởng kinh tế kém tích cực và lạm phát cao ở các đối tác xuất khẩu chính – Mỹ và EU. Đây là những yếu tố có tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.

Về các mặt hàng, nhóm công nghiệp chế biến tiếp tục là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu cả nước (89,8%). Giá trị xuất khẩu của phần lớn các mặt hàng trong nhóm này đều đã tăng trở lại trong tháng 2 so với cùng kỳ, tuy nhiên, xuất khẩu gỗ vẫn đang giảm hơn 10%.

Tương tự, giá trị xuất khẩu các sản phẩm máy móc và điện tử phần lớn cũng tăng trưởng trương trở lại trong tháng 2, ngoại trừ mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện, giảm 3,77%.

Theo đó, BVSC nhận định, triển vọng triển vọng xuất khẩu của các sản phẩm này vẫn đang gặp khó khăn trong bối cảnh các nước có lạm phát ở mức cao và triển vọng tăng trưởng kém tích cực.

Trong khi việc xuất khẩu các mặt hàng như máy móc, điện tử được dự đoán sẽ gặp khó khăn, nhóm nghiên cứu BVSC kỳ vọng rằng các mặt hàng nông sản, rau quả sẽ là điểm sáng lớn nhất trong xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Cụ thể, trong tháng 2/2023, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này đã tăng trên 65% và đóng góp 0,89 điểm phần trăm vào mức tăng chung xấp xỉ 11% của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngoài ra, giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm cũng bật tăng mạnh, từ âm 20% trong tháng 1 lên tăng 88% trong tháng 2.

"Với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc – đối tác xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam (tỷ trọng trên 50%, sắn trên 90%) và việc Việt Nam đã ký kết nhập khẩu chính ngạch thêm một số loại nông sản mới từ năm 2022 vừa qua, BVSC kỳ vọng mặt hàng này sẽ ghi nhận tăng trưởng tích cực trong năm 2023, trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng khác gặp khó khăn", báo cáo nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại