Là một người sành công nghệ, cây bút Kyle Kucharski của ZDNET khiến nhiều người ngạc nhiên khi vẫn dùng chiếc AirPods 2 lỗi thời mà chưa nâng cấp lên các phiên bản mới hơn. Tuy nhiên, anh có lý do chính đáng cho quyết định của mình. Dưới đây là chia sẻ của Kucharski.
Chiếc tai nghe 5 năm vẫn dùng tốt
AirPods thế hệ thứ hai của Apple vừa kỷ niệm 5 năm ra mắt và tôi tự hào khi nói rằng mình vẫn dùng chiếc tai nghe này kể từ khi mua vào năm 2019. Về mặt công nghệ, 5 năm là một khoảng thời gian quá dài.
Ai đó hẳn sẽ cảm thấy hơi có chút ghê sợ khi tôi dùng chiếc tai nghe này quá lâu (thông thường chỉ 2-3 năm đã thay mới). Có rất nhiều câu chuyện lan truyền trên internet về việc nhiều người bị mọc nấm trong tai hoặc bị nhiễm trùng tai do đeo tai nghe "liên tục", khiến cho việc sử dụng tai nghe cũ trong thời gian dài dường như là ý tưởng tồi.
Thực ra câu chuyện này quá đơn giản. Hãy luôn làm sạch đồ công nghệ. Cho dù chúng là điện thoại, thiết bị đeo hay AirPods. Chính việc giữ chúng sạch sẽ là yếu tố tác động đến tuổi thọ và khả năng hoạt động. Tôi luôn giữ tai nghe của mình sạch sẽ và chưa bao giờ gặp phải vấn đề gì liên quan đến nấm, nhiễm khuẩn hay những thứ tương tự.
Phải thừa nhận rằng đồ Apple là quá tốt, dù đôi khi có bị rơi vào nước, bị đè bẹp, giẫm lên hoặc rơi xuống cống, cặp tai nghe vẫn tỏ ra bền bỉ. Thiết kế của AirPods có rất ít bộ phận có thể bị hỏng chỉ do hao mòn vì đeo nhiều.
Trên thực tế, vấn đề thường gặp nhất với AirPods là việc mảnh vụn, bụi bẩn bị kẹt trong các cổng kết nối, ảnh hưởng đến quá trình sạc hoặc kết nối. Nhưng tất cả những vấn đề trên đều có thể được giảm thiểu bằng cách vệ sinh thường xuyên.
Một mẹo khác để tối đa hóa tuổi thọ của AirPods là theo luôn cẩn thận. Thứ phụ kiện này nhỏ bé và trơn nên tôi chỉ mở hộp lấy ra sử dụng khi không di chuyển. Đừng cố gắng thực hiện nhiều thao tác và lấy khỏi hộp khi đang đi xuống cầu thang hoặc đi bộ trên phố; chắc chắn chúng sẽ rơi khỏi tay bạn và lăn đến chỗ nào đó, bị nghiền nát, giẫm phải hoặc lạc mất.
Ngoài ra, hãy cân nhắc mua một chiếc ốp lưng để có lớp bảo vệ ngoài cùng. Với khoảng vài chục nghìn đồng, bạn có thể bảo vệ AirPods của mình khỏi tác động lực khó tránh khi để chúng ở dưới đáy ba lô hoặc nhét vào đệm ghế, cũng như bảo vệ khỏi độ ẩm hoặc hư hỏng do va đập khi làm rơi hộp.
Hãy cứ dùng khi tai nghe còn tốt
Nhưng dù có giữ kỹ càng đồ công nghệ đến đâu, bạn vẫn phải đối mặt với một vấn đề khác khiến bản thân muốn mua tai nghe mới thay vì dùng đến 5 năm.
Với việc liên tục ra mắt sản phẩm mới, các nhà sản xuất thiết bị luôn thúc đẩy người tiêu dùng mua, nâng cấp và thay thế sản phẩm của họ đến mức ám ảnh, việc giữ một thiết bị "lỗi thời" trong nhiều năm gần như là điều không thể.
Rõ ràng, Apple muốn tôi nâng cấp chiếc AirPods già nua của mình lên chiếc AirPods 3 mới nhất. Tất nhiên, chúng tốt hơn nhờ khả năng chống ồn, độ bám trên tai và chất lượng âm thanh vượt trội.
Nhưng vấn đề là liệu sự tiến bộ đó có khiến các thiết bị thế hệ cũ không thể dùng được tiếp hay không?
Số lượng lớn các thiết bị mới được cung cấp hàng năm làm dấy lên mối lo ngại về tính bền vững. Bạn sẽ làm gì với công nghệ cũ sau khi thay thế nó bằng phiên bản mới hơn, giàu tính năng hơn?
Hầu hết mọi người đều biết rằng công nghệ cũ có thể và nên được tái chế, nhưng thường thì nhiều thiết bị chắc chắn sẽ bị vứt vào thùng rác.
Liên Hợp Quốc ước tính rằng trung bình 8kg rác thải điện tử được tạo ra trên mỗi người vào năm 2023, tương đương với khoảng 61 triệu tấn rác thải điện tử được thêm vào các bãi chôn lấp trên toàn thế giới. Con số này được ước tính sẽ tiếp tục tăng lên từ năm này sang năm khác.
Tôi có một cặp tai nghe over-ear phục vụ mục đích riêng và tôi không có nhu cầu mua tai nghe mới miễn là chiếc AirPods cũ mèm này vẫn hoạt động. Và, về cơ bản thì chúng đang đáp ứng tốt điều đó.
Có thể nói Apple chính là công ty đã làm nên trào lưu tai nghe không dây và khi AirPods thế hệ thứ hai được phát hành vào năm 2019, họ có ít đối thủ cạnh tranh hơn nhiều so với hiện nay.
Chỉ Galaxy Buds của Samsung sánh ngang với AirPods về sự tiện dụng và tính năng, đồng thời chiếm vị trí đối diện với Apple là sản phẩm được tối ưu hóa cho điện thoại Samsung cũng như Android.
Ngày nay, AirPods của tôi không những vẫn giữ được vị thế của riêng mình mà còn là một phần của dòng tai nghe không dây đang chiếm lĩnh thị phần.
Chip Apple H1 bên trong model thế hệ thứ hai hỗ trợ tốc độ kết nối nhanh cho các cuộc gọi đến và chuyển đổi giữa các thiết bị, cũng như chức năng Siri và thời lượng pin đáng khen ngợi.
Tất nhiên, hiện tại có nhiều loại tai nghe hơn trên thị trường, nhưng có lý do khiến AirPods thế hệ thứ hai của Apple vẫn là sản phẩm bán chạy nhất trong mỗi mùa mua sắm lớn.
Với 100 USD (ở Việt Nam giá khoảng 2,7 triệu, rẻ hơn 1,5 triệu so với AirPods 3), bạn sẽ nhận được một cặp tai nghe không chỉ có âm thanh tuyệt vời mà còn có thể sử dụng lâu dài nếu biết cách chăm sóc. Không chỉ là 5 năm mà còn hơn thế nữa.