Căng thẳng thương mại với Mỹ đã gây áp lực, buộc Trung Quốc phải đáp trả. Tuy nhiên, nếu kéo dài, điều này sẽ làm tổn hại tới chính nền kinh tế Trung Quốc, nhất là khi họ không mở cửa cho nước ngoài. Nhận định này được Zhao Jinping, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Phát triện thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, đưa ra trước một nhóm các phóng viên nước ngoài hôm 26/12.
Những rủi ro và sự không chắc chắn
Zhao nhắc tới một bối cảnh đáng lo ngại về sự bất ổn kinh tế thế giới cũng như lo ngại về sự chia rẽ trong hệ thống công nghệ toàn cầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng chống lại các công ty Trung Quốc cũng gây ra những rủi ro lớn cho sự phát triển của những doanh nghiệp này.
Năm nay, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei và nhiều công ty công nghệ lớn khác vào danh sách đen. Về cơ bản, điều này khiến các công ty Trung Quốc không thể mua hàng từ các nhà cung ứng Mỹ.
Trong môi trường này, các công ty Trung Quốc bị áp lực phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa so với trước kia, Zhang Yuyan, giám đốc và chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện nghiên cứu Chính sách và Kinh tế toàn cầu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chia sẻ. Ông Zhang cũng cho rằng hướng đầu tư vào Trung quốc có thể thay đổi và thúc đẩy sự phát triển công nghệ của đất nước này.
Một số nhà phân tích từng lưu ý rằng những áp lực từ căng thẳng thương mại với Mỹ có thể giúp Trung Quốc đẩy nhanh những sự thay đổi cần thiết trong việc giảm sự kiểm soát của nhà nước để hướng tới một thị trường tiềm năng và những hệ thống hiệu quả hơn.
Cho phép nhiều công ty nước ngoài tiếp cận thị trường địa phương cũng có thể hữu ích. Cùng với các vấn đề như môi trường và xóa đói giảm nghèo ở các khu vực nông thông, Zhao gọi rủi ro từ hệ thống tài chính là mối quan ngại lớn đối với Trung Quốc.
Sự hiện diện nhiều hơn của các tổ chức nước ngoài trên thị trường tài chính được kỳ vọng sẽ giúp ngành công nghiệp địa phương tuân thủ tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế. Cái gọi là cải cách và mở cửa cũng có thể thu hút thêm vốn vào Trung Quốc. Trong khi đó, hiện vẫn chưa rõ ràng về việc các quỹ rút vốn khỏi Trung Quốc như thế nào.
Chính sách giúp giữ vững sự ổn định
Con số chính thức, nhưng cũng đáng nghi ngờ, cho thấy tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 3 là 6%. Nó không đạt được như kỳ vọng và cũng ở mức thấp nhất trong mục tiêu tăng trưởng 6 đến 6,5% mà chính quyền nước này đặt ra cho năm nay. Tuy nhiên, 4 nhà kinh tế có mặt trong sự kiện ngày 26/12 đều cho rằng kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng với tốc độ 6% trong năm tới.
Họ cũng nhấn mạnh rằng năm tới sẽ không thể tồi tệ như năm 2019, đặc biệt là sự không chắc chắn của cuộc chiến thương mại với Mỹ đã được loại bỏ. Họ cũng cho rằng sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách của chính phủ.
Hỗ trợ việc làm, đặc biệt là việc làm chất lượng cao, vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu, Liu Shangxi, Chủ tịch Viện Khoa học Tài chính, một viện nghiên cứu thuộc Bộ Tài Chính Trung Quốc, chia sẻ nhận định. Ngoài ra, cắt giảm thuế và phí, một chính sách kích thích đáng kể trong năm 2019, dự kiến vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2020 nhưng sẽ không có sự thay đổi lớn.
Theo Liu ước tính, năm tới, Trung Quốc có thể chỉ cắt giảm thuế và phí ở mức 500 tỷ tệ, thấp hơn đáng kể so với mức 2.000 tỷ tệ (286 tỷ USD), đã thực hiện từ tháng 4 năm nay. Chính sách giảm thuế và phí giúp GDP Trung Quốc tăng trưởng 0,8 điểm phần trăm trong năm nay.