Tại Hội thảo, các tỉnh, thành đã giới thiệu về môi trường tư của địa phương, những ngành nghề, lĩnh vực đang mời gọi đầu tư. Lĩnh vực được các địa phương mời gọi đầu tư nhiều là: công nghiệp, thương mại dịch vụ, bất động sản, du lịch sinh thái, hạ tầng kỹ thuật.
Đồng Nai là đầu mối giao thông của vùng, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.551 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 33 tỷ USD. Trong đó các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện có 426 dự án với tổng vốn đầu tư 7,2 tỷ USD, đứng đầu về số dự án và tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ngược lại, Đồng Nai cũng là nơi đón dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc nhiều nhất khu vực phía Nam. Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã đặt nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh như Samsung, LG, Hyosung, Changshin, Taekwang, Hwaseung, CJ, Posco, Hansol Technics, Intops... để thuận lợi cho việc đưa sản phẩm cung ứng cho các vùng trên cả nước và xuất khẩu.
Các dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh chủ yếu thuộc ngành công nghiệp gồm: sản xuất giày dép, sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, điện tử...
Riêng trong 10 tháng của năm 2022, có 9 dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 187 triệu USD và 26 dự án tăng vốn với vốn thêm khoảng 118 triệu USD.
Trong đó, một số dự án Hàn Quốc có vốn đầu tư lớn tại Đồng Nai như: Tập đoàn Hyosung đầu tư 2 dự án hơn 1,82 tỷ USD; Tập đoàn Posco 300 triệu USD; Tập đoàn Changshin hơn 255 triệu USD; Tập đoàn Hwaseung 170 triệu USD. Các doanh nghiệp trên hoạt động ổn định tại Đồng Nai và đã nhiều lần mở rộng sản xuất.
Các dự án có vốn đầu tư Hàn Quốc hoạt động khá ổn định, có nhiều đóng góp cho ngân sách địa phương. Trong 9 tháng đầu năm 2022, có 9 dự án có vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào các Khu Công nghiệp tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư đăng ký 186,8 triệu USD.
Về hợp tác quốc tế, đến nay tỉnh Đồng Nai đã thiết lập và ký kết 9 Bản Ghi nhớ, Thỏa thuận hợp tác quốc tế cấp tỉnh và 17 Bản Ghi nhớ, Thỏa thuận hợp tác quốc tế cấp Sở, ngành ký kết với các địa phương, đối tác Hàn Quốc.
Trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục mời gọi doanh nghiệp Hàn Quốc và những quốc gia khác đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Theo Phó giám đốc Sở KH-ĐT Đồng Nai Đoàn Thị Ngọc Vân, Đồng Nai đang khẩn trương thực hiện hồ sơ quy hoạch tỉnh, công khai, minh bạch quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch tại các địa bàn quan trọng. Đồng thời, tỉnh sẽ thông tin rộng rãi danh mục dự án thu hút đầu tư bằng hình thức đấu giá, đấu thầu để mời gọi doanh nghiệp Hàn Quốc, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp các nước có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia.
Đồng Nai cũng đang tiếp tục bố trí nguồn vốn đầu tư công để triển khai đồng loạt các hạng mục công trình giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng, liên kết tỉnh như: các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Đà Lạt, Biên Hòa - Vũng Tàu rồi đường vành đai 3, đường vành đai 4; tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được nối dài về Biên Hòa.
Các tuyến đường giao thông trên sẽ góp phần đưa Đồng Nai trở thành một trong những địa phương sở hữu hệ thống giao thông đường bộ hoàn thiện nhất cả nước.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng khẳng định, Đồng Nai đặt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động. Do đó, tỉnh mong muốn doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư vào tỉnh dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, có tác động lan tỏa và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. Giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai đặt mục tiêu thu hút vốn FDI từ 5-6 tỷ USD.