Trong số tất cả các thế lực đang tham gia vào cuộc chơi ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là có nhiều lợi ích để đạt được nhất và cũng có nhiều rủi ro nhất, học giả nghiên cứu về Trung Đông Michael Arnold nhận định trên National Interest.
Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với một số mối lo ngại khi nói đến Syria, chẳng hạn như nguy cơ làn sóng tị nạn mới, tình hình an ninh ở miền Bắc Syria ngày càng xấu đi và sự hiện diện liên tục của người Kurd dọc biên giới phía Nam.
Những vấn đề này có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Kể từ đầu năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia đàm phán với Mỹ về việc thành lập vùng an toàn để bảo vệ trước người Kurd ở đông bắc Syria hoặc bất kỳ nhóm liên kết nào chống lại mình.
Tuy nhiên, cuộc đàm phán này đã trở nên phức tạp bởi một số yếu tố, nổi bật nhất trong đó là việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga. Mỹ đã tìm cách tận dụng ảnh hưởng của mình ở đông bắc Syria để gây áp lực cho Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thỏa thuận S-400.
Về phần mình, Nga có thể đang tìm cách sử dụng Idlib như một biện pháp gây áp lực cho Thổ Nhĩ Kỳ để xem xét lại mối quan hệ với Mỹ tại Syria. Cùng với đó, có khả năng Nga đã sử dụng thỏa thuận mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ để duy trì hòa bình mong manh ở Idlib.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga ở Trung Đông mới
Trong một bài viết trên tờ Foreign Policy, cây bút Galip Dalay đã lập luận rằng quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay dựa trên lợi ích chồng chéo, bao gồm sự nghi ngờ về ý định của châu Âu và Mỹ và định hướng lại chính sách đối ngoại cũng như định hướng chiến lược tại thời điểm Trung Đông đang bước vào giai đoạn mới.
Khi ảnh hưởng của Nga trong khu vực tăng lên, khả năng cơ động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng bị thu hẹp hơn nữa. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ có lợi ích trong việc cân bằng lại ảnh hưởng lớn của Nga trong khu vực.
Người Kurd là một trong những nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ hành động mạnh mẽ ở Syria.
Từ lợi ích năng lượng đến hỗ trợ các phe đối lập từ Syria và Ai Cập đến Libya, lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Trung Đông dường như chỉ trùng lặp về một số vấn đề tương đối hạn chế.
Một trong số ít chủ đề cả hai mong muốn là thấy ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực giảm dần. Từ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, điều này đến từ lý do chính sách của Mỹ ở Trung Đông thời gian qua đã mang lại nhiều vấn đề đáng lo ngại hơn là các giải pháp, đặc biệt khi nó ảnh hưởng đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở thời điểm hiện tại, quan hệ Mỹ-Thổ được cho là đạt đến điểm thấp nhất trong lịch sử. Bắt đầu với cuộc xâm lược ở Iraq, các hành động của Mỹ trong khu vực đã góp phần giải phóng các lực lượng sẽ gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ sự trỗi dậy của IS đến người Kurd ở Iraq và sau này ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy lợi ích của mình bị đe dọa bởi đồng minh NATO vốn có quan hệ thân thiết nhất.
Cách tiếp cận của chính quyền Barack Obama đối với Syria phần lớn được tiếp tục dưới thời Tổng thống Donald Trump, điều này đã khiến Ankara phải hành động trước khi quá muộn.
"Nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành ‘chư hầu’ cho lợi ích của Mỹ trong khu vực, thì họ sẽ tiếp tục chờ đợi trong vô vọng", học giả Arnold viết trên tờ National Interest.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ - mặc dù phải đối mặt với môi trường địa chính trị bị hạn chế - đã chứng minh rằng họ sẵn sàng đứng lên khi lợi ích khu vực và an ninh bị đe dọa.
"Nếu Mỹ thay đổi cách tiếp cận ở Syria nói chung và Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng, sử dụng phương pháp hợp tác thay vì đối nghịch, họ sẽ tìm được một đối tác đáng tin cậy sẵn sàng tiến về các vấn đề cùng quan tâm", chuyên gia Arnold nói thêm.
"Thay vì lo lắng về việc mất Thổ Nhĩ Kỳ vào tay Nga, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên lo lắng về việc mất đi một đối tác quan trọng nhất trong khu vực".