Không nước nào muốn bỏ tiền để tái thiết Syria

Tiệp Nguyễn |

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có quyền lực ổn định, nhưng những người ủng hộ ông tại Moscow không có đủ khả năng để trả tiền cho việc tái thiết đất nước Syria, các đối thủ phương Tây của ông thì có thể, nhưng họ sẽ không làm điều này.

Vào tháng 3.2011, khi cuộc xung đột Syria bắt đầu nổ ra, ông Bashar al-Assad suýt bị lật đổ như những lãnh đạo quyền lực khác đã bị Mùa Xuân Ả rập hạ bệ. 8 năm sau, ông Assad vẫn là tổng thống nhưng của một đất nước bị chia cắt và phá hủy. Hiện tại đang có một câu hỏi lớn: Ai sẽ trả tiền để tái thiết Syria?

Số tiền rất lớn. Liên Hợp Quốc đánh giá chi phí tái thiết là khoảng 250 tỷ USD (khoảng 4 lần GDP của Syria trước chiến tranh, hay bằng quy mô của nền kinh tế Ai Cập). Nga muốn phương Tây phải chi số tiền này. Hỗ trợ quân sự của Nga là yếu tố cần thiết để chế độ của ông Assad tồn tại, nhưng Nga có những sự hạn chế riêng về mặt kinh tế.

Nhưng Hoa Kỳ và phương Tây cứng rắn cự tuyệt nếu thiếu đi sự thay đổi có ý nghĩa về mặt chính trị [tại Syria]. Sẽ công có "tái thiết nếu thiếu sự chuyển đổi chính trị", một phát ngôn viên của sứ quán Pháp đã nói với tác giả bài viết.

Vào mùa thu năm ngoái, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc bà Nikki Haley đã gạt bỏ điều này - coi đây là sự thúc giục "vô lý" của Nga để Syria có được sự hỗ trợ của phương Tây. Điều này sẽ khiến cho 18 triệu người, với khoảng 1/3 trong số đó là dân tị nạn, sẽ phải đối mặt với một tương lai bất định - tồi tệ hơn rất nhiều so với khi cuộc xung đột bắt đầu nổ ra. Việc tái thiết vẫn cần thiết dù cho ông Donald Trump rút phần lớn quân đội Mỹ khỏi Syria - dấu hiệu cho thấy Washington có rất ít mong muốn can thiệp vào tình hình Syria sau này.

Về mặt lý thuyết, một nỗ lực tái thiết thành công sẽ giúp cho hàng triệu người tị nạn Syria quay trở về nhà. [Tất nhiên, vẫn còn những vẫn đề về an ninh trong nội địa Syria]. Nhưng nếu để các vùng trên đất nước này không thể sống được càng lâu, thì cơn khủng hoảng tị nạn đã gây ảnh hưởng tới châu Âu trong những năm vừa qua có nguy cơ trầm trọng hơn - Có khả năng đẩy nhiều thế hệ người Syria phải sống trong các trại tị nạn dưới lòng thương của những nước không thân thiện.

Không nước nào muốn bỏ tiền để tái thiết Syria - Ảnh 1.

Đoàn người tị nạn Syria tại Hungary.

Nga đã can thiệp vào cuộc xung đột năm 2015 và đã duy trì được ảnh hưởng mới thiết lập trong khu vực một cách sắc bén. Nhưng Nga không thể chịu được chi phí của việc tái thiết Syria.

Nền kinh tế Nga đổ vỡ và trở nên tệ hơn bởi những lệnh trừng phạt do sáp nhập Crimea vào năm 2014; cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016; mối đe dọa có những lệnh trừng phạt tiếp theo do vụ va chạm với tàu chiến Ukraine vào tháng 11.2018 tại eo biển Kerch và biển Azov mà hai nước đã chia sẻ trong một hiệp ước ký vào năm 2003; và giá dầu đang hạ. Nhưng Moscow đã thử để cộng đồng quốc tế trả tiền tái thiết nhưng không thành công.

Hoa Kỳ và châu Âu cần cải cách, bao gồm cả sự thay đổi về chính trị - là điều kiện tiền đề cho bất cứ vai trò tái thiết nào. Họ cũng đang trông đợi vào thực tế rằng, những người hỗ trợ chính cho ông Assad cả ở trong nước và nước ngoài sẽ nhận ra rằng việc tiếp tục ủng hộ ông sẽ làm cho túi tiền luôn đóng lại.

Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết: "Assad là cản trở chính cho sự phục hồi Syria và cả những giới kinh doanh người Alawite những người ủng hộ chế độ của ông ta sẽ thấy rằng ông ta là một nguy cơ và là chướng ngại ngày càng lớn dần".

Nhà ngoại giao này nói thêm: "Tôi được biết trước chiến tranh ngân sách đầu tư là 60 tỷ USD, và năm ngoái ngân sách này là 300 triệu USD, trong đó chỉ có 20% được chi tiêu thực tế. Không phải là bởi vì họ không có tiền, mà bởi họ không có chính quyền hay khả năng chính trị để xây dựng đất nước".

Trong nhiều năm, phương Tây đã ép Nga phải buộc ông Assad nhượng bộ.

Mona Yacoubian, nhà nghiên cứu về Syria tại Học viện Hòa bình Hoa Kỳ nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây: "Vấn đề thực sự là, [Nga] có bao nhiêu quyền lực để thúc đẩy cải cách thực sự, sự cải cách thực tế sẽ lấy đi quyền lực của Damascus, khiến quyền lực bị phân tán theo một cách nào đó? Và trong trường hợp này, vẫn không rõ ràng liệu Nga có một ảnh hưởng như vậy hay không".

Điều trớ trêu là, việc tập trung cao độ vào tái thiết mặc nhiên ngầm hiểu rằng ông Assad sẽ không thay đổi vị thế của mình. Nga và Iran sẽ tiếp tục hỗ trợ, Hoa Kỳ sẽ rút phần lớn lực lượng của Mỹ, và sự bắt đầu khôi phục đất nước giữa các nước Ả rập sẽ khiến ông Assad có rất ít động lực để phải nhượng bộ về mặt chính trị. Nhưng ngay cả khi địa vị có vẻ vững chắc, ông Assad vẫn bị trói buộc.

Những nước ủng hộ ông không có tiền để trả cho việc tái thiết Syria. Những đối thủ phương Tây của ông có thể làm điều này nhưng sẽ không thực hiện nó. Iran, một nước ủng hộ thiết yếu khác của ông Assad cũng đang chịu thiệt hại vì Hoa Kỳ áp dụng lại các lệnh trừng phạt và không có dư thừa về kinh tế để hỗ trợ Syria.

Có rất nhiều thứ cần xây dựng lại. Khoảng 11 triệu người lưu lạc và mất đi nhà cửa. Cuộc chiến đã phá hủy nguồn nước, hệ thống vệ sinh, hệ thống điện trong các khu vực do quân nổi dậy chiếm đóng trước đây. Trường học và bệnh viện bị phá sạch. Các thành phố lớn như Raqqa bị san bằng. Trong các khu vực nông thôn, hệ thống tưới tiêu không còn hoạt động, các hầm ủ hạt giống bị phá hủy.

Phó giám đốc về vấn đề Syria của tổ chức hỗ trợ nhân đạo Mercy Corps, ông Made Ferguson hiện đang ở đông bắc Syria nói rằng: "Những công trình cơ sở hạ tầng cần thiết ở đông bắc Syria là một mớ hỗn độn... Về cơ bản, mọi thứ đều cần thiết".

Không nước nào muốn bỏ tiền để tái thiết Syria - Ảnh 2.

Người tị nạn Syria đổ xô tới châu Âu.

Điều này đẩy phương Tây vào tình huống khó xử. Một mặt, họ không muốn "trao thưởng" cho ông Assad bằng cách xây dựng lại Syria và giúp ông củng cố quyền lực. Mặt khác, họ cũng không muốn phớt lờ tình huống nhân đạo sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu thiếu một nguồn tiền lớn. Vào ngày 14.3, các nhà hảo tâm quốc tế đã cam kết viện trợ khoảng 7 tỷ USD, bao gồm 397 triệu USD từ Hoa Kỳ cho những người dân bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột. Nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với số tiền EU cho là cần thiết.

Các quan chức chính phủ Syria nói rằng họ chỉ chào đón những khoản đầu từ từ "các nước thân thiện" đã ủng hộ chế độ của mình trong cuộc xung đột. Nhưng không có nhiều nước như vậy: Một số các nước hàng xóm Ả rập đã đoạn tuyệt với ông Assad trong cuộc xung đột, hiện đang làm ấm dần lên quan hệ với chế độ Syria. Nhưng họ cũng không sẵn lòng bỏ hàng tỷ USD cho một nỗ lực mà cuối cùng có thể khiến Iran trở nên mạnh hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ, một nước kinh tế mạnh trong khu vực, hứa hẹn sẽ tái thiết lại những vùng đất của Syria mà nước này đang kiểm soát, và còn có những tham vọng vượt ra ngoài những khu vực này.

Chế độ Syria muốn Trung Quốc - một nước lớn với các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới tham gia vào công việc tái thiết. Nhưng với mỗi nước tham gia vào, điều kiện tiên quyết là Syria phải ổn định. Và còn lâu mới có thể đảm bảo được điều này.

Cuộc nội chiến Syria đã chuyển hóa thành một cuộc xung đột với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ , Iran và người Kurd. Kế hoạch rút quân của Hoa Kỳ vẫn còn chưa chắc chắn. Sự thiếu thốn về kinh tế càng trở nên tệ hơn kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu với những chỉ số về con người đi xuống như tuổi thọ trung bình.

Vẫn không tồn tại sự tự do về mặt chính trị - điều đầu tiên gây ra những cuộc biểu tình chống lại chế độ Syria. IS vẫn là một mối đe dọa dù chúng đã mất quyền kiểm soát hầu hết các vùng lãnh thổ. Sự bế tắc trong việc tái thiết đất nước Syria chỉ làm tăng thêm những rạn nứt.

Nicholas Heras, chuyên gia về Syria thuộc Trung tâm An ninh mới Hoa Kỳ, một tổ chức nghiên cứu tại Washington D.C cho biết: "Cộng đồng quốc tế phải chấp nhận rằng ông Assad đã chiến thắng cuộc chiến và bắt đầu tiếp cận việc tái thiết từ hoàn cảnh này... Hoặc họ sẽ phải sống với rủi ro là sự bất ổn tại địa phương và những lỗ hổng trong việc cai trị những khu vực rộng lớn của vùng trung tâm Trung Đông".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại