Theo thống kê, trong tháng 5-2019, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè tại 23 tuyến đường trên địa bàn các quận 1, 5 và 10 có trên 15.000 trường hợp không chịu nộp phí. Trong khi đó, lực lượng thực hiện chức năng thu phí lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Trước tình hình trên, Sở GTVT TP.HCM đã đề nghị các quận , huyện và đơn vị liên quan rà soát các tuyến đường cần thiết phải bổ sung việc thu phí sử dụng lòng đường để đỗ xe , hoặc bãi bỏ một số tuyến trong danh mục trước đây.
Giám sát phạt nguội qua camera
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM về nguyên nhân của việc trên 15.000 trường hợp không chịu nộp phí đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM , cho rằng công nghệ có thể làm được nhiều việc nhưng biện pháp chế tài cho hành vi cố tình không chấp hành việc đóng phí lại chưa làm được.
Theo ông Lâm, hiện Sở GTVT cùng với thanh tra giao thông, thanh tra thuế và các cơ quan khác đang xây dựng quy trình phối hợp để xử phạt các hành vi vi phạm về giao thông, trong đó vấn đề phạt nguội qua giám sát camera sẽ được đặc biệt chú ý.
“Hiện chưa có quy định pháp luật cho việc phạt nguội, sắp tới TP sẽ tổ chức hội nghị - hội thảo ứng dụng khoa học công nghệ trong vấn đề phạt nguội, qua đó sẽ có những đề xuất để TP.HCM thí điểm trong việc phạt nguội.
Chỉ khi có quy định cụ thể thì việc chế tài mới có hiệu quả” - ông Lâm nói.
Bên cạnh đó, ngày 23-9, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản trình UBND TP dự thảo Quy trình xử lý vi phạm trong sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô và văn bản góp ý về quy trình này đến các cơ quan chức năng liên quan.
Cụ thể, dự thảo quy trình xác định bốn hành vi vi phạm gồm: Không đăng ký trả phí đỗ xe; đỗ xe quá thời gian đăng ký; đăng ký trả phí sai loại xe, sai mức phí; đăng ký trả phí sai mã bãi đỗ.
Sau khi xác định hành vi vi phạm, quy trình xử phạt gồm bốn bước: Bước 1: Phát hiện và dán phiếu nhắc nhở nộp phí đỗ xe.
Bước 2: Người vi phạm phải đóng, trả phí trong thời gian ba ngày kể từ khi dán phiếu nhắc nhở nộp phí đỗ xe.
Bước 3: Sau thời hạn ba ngày thì chủ phương tiện liên hệ UBND phường để lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính (số tiền phạt từ một đến ba lần mức phí chưa nộp, mức phạt tối đa có thể lên đến 50 triệu đồng).
Bước 4: Cuối cùng là chế tài sau 10-30 ngày (kể từ khi lập phiếu nhắc nhở nộp phí đỗ xe) mà người vi phạm chưa chấp hành trả nợ phí và chưa đến UBND phường nộp phạt thì thông báo cho Cục Đăng kiểm để từ chối đăng kiểm cho phương tiện này.
Đa dạng hình thức thu phí
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng, Sở GTVT, cho biết bên cạnh ứng dụng My Parking thanh toán thông qua ví điện tử ViettelPay để trừ phí trong thẻ thanh toán MasterCard, VISA, JCB và nhắn tin đến tổng đài 1008 trừ tiền trong tài khoản đối với thuê bao dùng mạng Viettel, sắp tới Sở sẽ phát triển thêm một số giải pháp khác để tạo sự thuận lợi cho người dân trong việc đóng phí như quẹt thẻ trực tiếp giống như taxi.
Để thuận lợi cho người dân, Sở GTVT cũng đề nghị Viettel TP.HCM, Công ty TNHH MTV DVCI Thanh niên xung phong phối hợp nghiên cứu đa dạng hóa, mở rộng các hình thức thanh toán.
Cụ thể, kết nối và sử dụng các loại ví điện tử có lượt người sử dụng đăng ký cao (MoMo, VNPAY QR, ZaloPay...) vào ứng dụng My Parking.
Ký kết hợp đồng với các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông MobiFone, VinaFone, Vietnamobile, Gmobile... để các thuê bao sử dụng mạng viễn thông này có thể thanh toán phí qua đầu số 1008.
Nghiên cứu, trang bị cho nhân viên hướng dẫn và giám sát việc thu phí các thiết bị chấp nhận thanh toán di động bằng thẻ ngân hàng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng được yêu cầu nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện giải pháp công nghệ tạo thuận lợi cho người dân tương tác nhanh chóng, thuận tiện trong việc đặt chỗ đỗ xe cũng như trả phí, đồng thời xây dựng chế độ báo cáo - cập nhật công khai, minh bạch về số thu phí trong ứng dụng My Parking nhằm tạo điều kiện cho người dân cũng như các cơ quan quản lý nhà nước theo dõi và giám sát.
Một phương án khác là tăng tính cơ động cho lực lượng tại hiện trường, như nghiên cứu, tổ chức áp dụng thu tháng đối với các hộ gia đình, tổ chức kinh doanh tiếp giáp với các điểm cho phép sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe có thu phí.
Tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người đỗ xe về phương án thu hộ (không sử dụng tiền mặt).
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần điều chỉnh, tăng thêm một tuyến đường tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe, giảm dần các tuyến đường đỗ xe không thu phí, tránh trường hợp các tài xế dồn xe về các tuyến đường chưa thu phí gây kẹt xe.
“Hiện Sở đang phối hợp với UBND các quận, huyện , Ban quản lý khu đô thị và các cơ quan liên quan khác để rà soát, đề xuất danh mục các tuyến đường đỗ xe có thu phí” - đại diện Sở GTVT nói.
TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía nam, cho rằng ngoài vấn đề về mặt giải pháp thì cần quan tâm hơn về con người thực thi việc này và cả ý thức người đỗ xe. “Công nghệ thu phí không quá phức tạp, nhiều nước đều làm, vấn đề là chúng ta. Cứ phạt thật nặng nếu tài xế không chấp hành, quy trách nhiệm người thu phí là sẽ có hiệu quả ngay” - ông Hùng góp ý. |