Bằng công nghệ hiện đại, nhiều công ty Trung Quốc đang sản xuất những viên kim cương nhân tạo giá rẻ hơn nhiều nhưng vẫn có chất lượng tương đương với sản phẩm từ thiên nhiên.
Các số liệu cho biết hiện Trung Quốc sản xuất tới 56% tổng lượng kim cương nhân tạo trên thế giới, bỏ xa quốc gia đứng sau là Ấn Độ. Kim cương tổng hợp cũng được sử dụng nhiều trong thị trường chế tạo dụng cụ cắt công nghiệp.
Mặc dù hiện tại kim cương nhân tạo chỉ chiếm 3,5% thị trường đá quý thế giới, nhưng trong vòng 4 năm tới con số này có thể tăng lên 6% và thậm chí cao hơn - Paul Zimnisky, một nhà phân tích độc lập ngành kim cương, cho biết.
Tỉ trọng sản xuất kim cương nhân tạo của các nước trên thế giới. Ảnh: SCMP
"Trong những năm vừa qua nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đã nâng cấp thiết bị sẵn có để sản xuất kim cương nhân tạo to hơn, đẹp hơn để dùng làm trang sức. Trung Quốc đã có cơ sở vật chất đủ để tạo ra kim cương có chất lượng cao hơn. Họ có những trang thiết bị để sản xuất kim cương ở áp lực và nhiệt độ cao," ông Zimnisky cho hay.
Thông tin nói trên là tin xấu đối với các mỏ khai thác kim cương trên thế giới.
5 năm trước, một viên kim cương "không tự nhiên" chỉ rẻ hơn hàng thật 10%. Bây giờ con số là 50%. Zimnisky cho hay, trong vòng 5 năm tới, kim cương "giả" chỉ rẻ bằng 1/10 kim cương tự nhiên.
"Công nghệ đã phát triển nhanh chóng. Kim cương được sản xuất trong phòng thí nghiệm không chỉ to hơn mà còn trong và đẹp hơn," Georgette Boele, một chuyên gia phân tích về đá quý và kim loại quý hiếm, tiết lộ.
"Loại mặt hàng này sẽ được đón nhận rộng rãi bởi vì có nhiều quan niệm cho rằng kim cương sản xuất từ phòng thí nghiệm có lợi cho môi trường hơn và mức giá hấp dẫn hơn."
Ngành công nghiệp kim cương đã chịu nhiều chỉ trích vì ảnh hưởng tiêu cực của nó tới môi trường và sức khỏe người lao động. Bên cạnh đó, các báo cáo chỉ ra rằng kim cương đã được sử dụng nhiều trong các giao dịch liên quan tới hoạt động chiến tranh, khủng bố và xã hội đen. Từ "kim cương máu" cũng xuất hiện từ những trường hợp như vậy.
Huanghe Whirlwind International, một nhà sản xuất kim cương nhân tạo ở tỉnh Hồ Nam, đã tận dụng khía cạnh này để quảng bá sản phẩm của mình, cho rằng kim cương nhân tạo "rất hoàn hảo cho những người muốn giảm thiểu tác động tới môi trường bởi chúng không cần công đoạn khai thác và cũng không dính líu tới các cuộc xung đột, mâu thuẫn".
Hiệp hội Sản xuất Kim cương đã thực hiện nghiên cứu về đánh giá rủi ro môi trường khi khai thác các loại đá quý. Theo đó, với mỗi cara kim cương được hoàn thiện, các mỏ khai thác xả ra môi trường trung bình 160 kg khí CO2.
Mối đe dọa từ những nhà sản xuất kim cương nhân tạo được cho là sẽ tăng cao. Các nhà phân tích thị trường cho rằng giá kim cương tự nhiên sẽ bị đe dọa và những nhà phân phối sẽ tích trữ ít hàng để bảo vệ lợi nhuận của mình.