Không nên ngăn sông cấm chợ hàng hóa Hải Dương

Ngọc Dung - Trọng Đức |

Chiều 19-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Thêm 22 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh ra viện tại Bệnh viện dã chiến số 1 (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) ngày 19-2 Ảnh: VŨ MINH ĐIỀN

Thêm 22 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh ra viện tại Bệnh viện dã chiến số 1 (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) ngày 19-2 Ảnh: VŨ MINH ĐIỀN

Theo Bộ Y tế, đến 18 giờ ngày 19-2, Việt Nam ghi nhận thêm 15 ca nhiễm Covid-19 mới, đều ở tỉnh Hải Dương.

Báo cáo tình hình dịch bệnh tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu khẳng định tình hình dịch bệnh tại TP Chí Linh đã hoàn toàn được kiểm soát, ổ dịch ở Cẩm Giàng cũng cơ bản được kiểm soát, còn TP Hải Dương cần tiếp tục theo dõi.

Số ca dương tính phát sinh chủ yếu từ nguồn F1 đều đã được cách ly tập trung, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng, còn lại là các ca được phát hiện trong khu vực phong tỏa cũng đã được khoanh vùng và triển khai xét nghiệm diện rộng. Chỉ có 3 ca là phát hiện qua giám sát trong cộng đồng và cũng đã được khoanh vùng.

Trong đợt dịch này, dư luận và lãnh đạo, nhân dân Hải Dương cũng phản ánh tình trạng "ngăn sông cấm chợ" đối với Hải Dương từ khi xảy ra dịch Covid-19. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết nhiều thương lái dù đã đặt hàng thu mua nông sản của bà con nhưng không quay lại. Việc vận chuyển hàng hóa (kể cả việc nhận hàng của doanh nghiệp FDI từ cảng) cũng gặp khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nêu thực tế lưu thông hàng hóa, nông sản, xuất khẩu từ Hải Dương qua các địa phương lân cận đều "khó ra, khó vào".

Việc vận chuyển hàng hóa vào khu vực phong tỏa rất khó khăn (trừ hàng hóa thiết yếu). Các thị trường tiêu thụ cũng e dè với hàng hóa đến từ vùng dịch, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ khâu sản xuất, thu hoạch đến sơ chế, đóng gói, lưu thông an toàn...

Không nên ngăn sông cấm chợ hàng hóa Hải Dương - Ảnh 1.

Thêm 22 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh ra viện tại Bệnh viện dã chiến số 1 (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) ngày 19-2 Ảnh: VŨ MINH ĐIỀN

Tại cuộc họp, PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng các địa phương đang có sự lầm lẫn khái niệm ổ dịch và vùng dịch, từ đó dẫn tới "ngăn sông cấm chợ". Do vậy, Bộ Y tế cần sớm quy định rõ về ổ dịch và vùng dịch, để các địa phương áp dụng thống nhất.

Việc thông tin về dịch bệnh không được làm nhẹ đi mà cũng không được thổi phồng lên, bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép, thậm chí là tạo ra tâm lý "kỳ thị với Hải Dương".

Ghi nhận các ý kiến phản ánh của địa phương, cơ quan quản lý và quan điểm của chuyên gia, Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần phải làm rõ định nghĩa "ổ dịch" và "vùng dịch".

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, việc Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn tỉnh là giải pháp phòng ngừa nâng cao 1 mức để ngăn chặn bởi Hải Dương là đầu mối giao thông, liên quan đến nhiều địa phương.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các tỉnh lân cận thực hiện "ngăn sông cấm chợ". Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi các tỉnh và báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Y tế công bố lại trên Cổng thông tin điện tử những vùng dịch, người ra, vào phải kiểm soát và đến nơi khác phải khai báo, giám sát y tế. Ví dụ, đối với tỉnh Hải Dương là những vùng dịch ở TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng và xã, thôn cụ thể chứ không phải toàn tỉnh.

* Kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch Covid-19 tại huyện Kim Thành và thị xã Kinh Môn ngày 19-2, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã phê bình nghiêm khắc 2 lãnh đạo huyện Kim Thành là Bí thư Huyện ủy Nguyễn Kim Diện, Chủ tịch UBND huyện Phạm Quang Hưng. Lý do là vì 2 vị này đã lãnh đạo, chỉ đạo chưa nghiêm túc trong thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương.

* Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA03) Công an tỉnh đã vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin cho rằng bữa ăn của người cách ly bị "cắt xén".

Quá trình xác minh, tại BV dã chiến số 2 và BV dã chiến số 3, lực lượng chức năng xác định không có dấu hiệu thông đồng, câu kết, "lợi ích nhóm" giữa các BV với các đơn vị cung ứng suất ăn để "cắt xén" bữa ăn của người cách ly. Không có căn cứ xác định người cách ly phản đối, bỏ ăn và không ký xác nhận vào bảng ký nhận suất ăn hằng ngày của người cách ly.

Đáng chú ý, tại BV dã chiến số 3, trước ngày 10-2 (29 Tết), các BV đã thực hiện chi tiền ăn cho người cách ly là 80.000 đồng/người/ngày; từ ngày 10-2 (29 Tết) đến 14-2 (mùng 3 Tết) là 330.000 đồng/người/ngày.

Tuy nhiên, đối với suất ăn ngày 10-2, nhân viên giám sát của BV dã chiến số 3 do không đọc kỹ nội dung văn bản phụ lục hợp đồng nên chỉ đặt suất ăn 250.000 đồng/người/ngày chứ không phải 330.000 đồng/người/ngày theo mức người cách ly được hưởng.

Sau khi phát hiện sai sót, BV dã chiến số 3 đã chỉ đạo đơn vị cung ứng suất ăn ứng tiền trả lại cho toàn thể người đang cách ly số tiền chênh lệch suất ăn mà người cách ly được hưởng trong ngày 10-2 là 80.000 đồng/người.

Sở Y tế đã yêu cầu giám đốc BV dã chiến số 2 và BV dã chiến số 3 rà soát lại đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống phục vụ những người đang cách ly, lựa chọn đơn vị có năng lực, uy tín, bảo đảm chất lượng bữa ăn cho những người đang cách ly.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại