Không mang cơm đi làm cũng không đặt đồ ăn, dân công sở xứ Trung vẫn có cách tiết kiệm tiền mà vẫn được ăn no

Ngọc Linh |

Bí quyết của họ là gì?

Không mang cơm đi làm cũng không đặt đồ ăn, dân công sở xứ Trung vẫn có cách tiết kiệm tiền mà vẫn được ăn no- Ảnh 1.

“Trưa nay ăn gì nhỉ?” là câu hỏi không mấy khi xuất hiện trong tâm trí của dân công sở xứ Trung. Họ không mang cơm đi làm, không đặt đồ ăn về văn phòng, công ty cũng không “bao ăn” bữa trưa, vậy bằng cách nào mà hội cổ cồn trắng ở đất nước tỷ dân có được bữa trưa no đủ và đặc biệt tiết kiệm?

Căng tin người già - Lựa chọn giúp dân công sở tiết kiệm cả thời gian lẫn tiền bạc

Cứ đến giờ nghỉ trưa, khu vực căng tin cộng đồng dành cho người già ở Bắc Kinh (Trung Quốc) lại trở nên nhộn nhịp, nhờ sự xuất hiện của các thanh niên văn phòng. Họ lập nhóm đi ăn trưa với sự vui vẻ háo hức, vì mỗi ngày menu đồ ăn lại được thay mới. Không hề ngoa khi nói những bữa ăn này tựa như buffet.

Không mang cơm đi làm cũng không đặt đồ ăn, dân công sở xứ Trung vẫn có cách tiết kiệm tiền mà vẫn được ăn no- Ảnh 2.

Một căng tin người già ở Bắc Kinh (Trung Quốc)

Shen Min (27 tuổi) và người đồng nghiệp thân thiết của cô luôn lui tới căng tin người già 6 ngày/tuần.

Cô nói: “Mỗi bữa trưa, chúng tôi có thể gọi 2 món thịt, 1 món rau và được tặng kèm thêm 1 canh cà chua trứng. Một bữa ăn như vậy chỉ tốn 21 NDT, tính ra là 10,5 NDT/người (khoảng gần 37.000đ). So với việc gọi đồ ăn về văn phòng, lựa chọn này tiết kiệm hơn nhiều. Đồ ăn ở đây còn ngon hơn những quán ăn bình dân xung quanh. Nói chung đây là lựa chọn đáng đồng tiền bát gạo” .

Năm ngoái, công ty Shen Min làm việc đã bắt đầu cắt giảm phúc lợi của nhân viên và đóng cửa nhà ăn của công ty. Thay vì các bữa ăn miễn phí, nhân viên được nhận trợ cấp hàng tháng là 800 NDT (khoảng 2,8 triệu đồng). Ban đầu, Shen và các đồng nghiệp đã rủ nhau đặt đồ ăn về văn phòng để giảm chi phí bữa trưa.

Tuy nhiên sau vài tháng đặt đồ ăn trưa, Shen Min nhận ra số tiền cô chi cho bữa trưa vượt xa mức trợ cấp của công ty. Biết đến căng tin cộng đồng dành cho người trở thành “cứu cánh” cho Shen Min và cả các đồng nghiệp.

Song (25 tuổi) - Người mới chuyển tới Bắc Kinh sinh sống, đang làm việc tại một nhà xuất bản hồi đầu năm nay, cũng đã trở thành khách quen của căng tin cộng đồng dành cho người già. Cũng giống như Shen Min, trước đó, Song cũng thường xuyên đặt đồ ăn mang về và cảm thấy bất lực trong việc gồng gánh chi phí bữa trưa.

Từ khi gắn bó với căng tin cộng đồng cho người già, bữa ăn của Song vừa đa dạng, đủ chất hơn, vừa tiết kiệm hơn nhiều.

“Ăn ở đây rẻ hơn nhiều so với đặt hàng mang về. Nếu tôi ăn cả bữa trưa và bữa tối ở đây, tôi có thể tiết kiệm được 10-20 NDT (khoảng 35.000đ - 70.000đ) mỗi ngày” - Song chia sẻ.

Không mang cơm đi làm cũng không đặt đồ ăn, dân công sở xứ Trung vẫn có cách tiết kiệm tiền mà vẫn được ăn no- Ảnh 3.

Xếp hàng đợi tới lượt gọi món ở căng tin người già

Trên thực tế, những căng tin cộng đồng dành cho người già này mới chỉ xuất hiện tại Bắc Kinh được vài năm. Ban đầu, đối tượng khách hàng mà các căng tin này hướng tới là những người già neo đơn, không thể tự nấu ăn. Sau đó, để giảm chi phí vận hành, chủ những căng tin này mới chào đón khách hàng ở mọi lứa tuổi, thay vì chỉ tập trung phục vụ nhóm khách hàng là người già.

Giới trẻ xứ Trung “rủ nhau PR” cho căng tin người già

So với những nhà hàng, quán ăn ở các trung tâm thương mại thương mại sầm uất, suất ăn ở căng tin người già không chỉ đảm bảo tiêu chí bổ dưỡng tiết kiệm, mà còn giúp người trẻ có không gian ăn uống yên tĩnh, thoải mái hơn nhiều.

Quá ưng ý với những gì nhận được từ căng tin người già, nhiều người trẻ đã chia sẻ bữa ăn ở đây lên các nền tảng MXH, giới thiệu địa điểm và review những “món ăn đáng thử” nhất. Hành động này giúp một số căng tin người già thu hút khách du lịch, trở thành điểm “dừng chân, nạp năng lượng” của cả người nước ngoài khi tới Bắc Kinh.

Không mang cơm đi làm cũng không đặt đồ ăn, dân công sở xứ Trung vẫn có cách tiết kiệm tiền mà vẫn được ăn no- Ảnh 5.

Không gian bên trong các căn tin người già

Chuyên gia tài chính Zhang Lin cho biết trước đây, cảnh tượng thanh niên và người cao tuổi cùng xuất hiện trong một nhà hàng, quán ăn là điều khá hiếm, vì khẩu vị và thói quen chi tiền của 2 đối tượng này hoàn toàn khác nhau. Nhưng hiện tại, thế hệ trẻ hiện đang tự nguyện bước vào căng tin cộng đồng cho người già, điều này phần nào phản ánh áp lực tài chính mà thế hệ thanh thiếu niên đang phải đối mặt. Họ không còn muốn chi tiêu quá nhiều và lạc quan quá mức về tình hình tài chính của bản thân.

Zhang cũng chỉ ra rằng thanh niên Trung Quốc đang làm việc nhiều giờ hơn và không có thời gian đi mua hàng tạp hóa hay nấu nướng, đó là một lý do khác khiến họ trở thành khách hàng trung thành của các căng tin người già. Báo cáo từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, thời gian làm việc trung bình hàng tuần của nhân viên các doanh nghiệp đã tăng lên 49 giờ/tuần từ năm 2023, tương đương với 9,8 giờ/ngày.

Nguồn: ThinkChina


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại