Không kịp giải quyết hậu quả thương chiến, ông Trump quay lưng lại với những "ân nhân" một thời?

Tất Đạt |

Chiến tranh thương mại dai dẳng đang "bóp nghẹt" đời sống của nhiều người dân Mỹ.

"Món nợ" của ông Trump

Theo CNN, những người nông dân từ trước tới nay vẫn luôn ủng hộ "sứ mệnh" của ông Trump trong việc đạt được thỏa thuận thương mại tốt hơn với Bắc Kinh, giải quyết những vấn đề tồn đọng lâu dài và chấm dứt hoạt động giao dịch bất công.

Nhưng sau nhiều tuần với những tuyên bố lạc quan từ Trump và các thành viên chính phủ Mỹ về tiến trình thỏa thuận thương mại, ông Trump đột ngột tăng thuế quan lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và "khiêu khích" Bắc Kinh đáp trả. Không để ông Trump phải chờ lâu, ngày hôm qua (13/5), Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế đối với 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ.

Thuế quan gia tăng không trực tiếp ảnh hưởng tới các sản phẩm nông nghiệp, bởi mức 25% đã được Trung Quốc áp đặt từ năm ngoái. Nhưng thông tin này vẫn khiến giá các loại hàng hóa tăng vọt.

"Tổng thống Mỹ nợ những người nông dân chúng tôi một kế hoạch hành động," John Wesley Boyd Jr. - một nông dân trồng đậu nành ở Virginia - trả lời CNN.

Không kịp giải quyết hậu quả thương chiến, ông Trump quay lưng lại với những ân nhân một thời? - Ảnh 1.

Nông dân Mỹ đang ngày càng hết kiên nhẫn với cuộc chiến tranh thương mại mà tổng thống Donald Trump khởi xướng nhằm vào Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

"Những người nông dân là điểm tựa của ông Trump. Họ đã bỏ phiếu để ông Trump đắc cử... và bây giờ ông Trump đang quay lưng lại những người nông dân Mỹ khi họ cần ông ấy nhất," ông Wesley Boyd nói.

Những người trồng đậu nành, ngô, và lúa mì đã phải chống chọi lại thuế quan từ Trung Quốc trong gần 1 năm trở lại đây. Bắc Kinh đang áp các loại thuế này để trả đũa thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc của ông Trump.

Thuế quan đã khiến nông phẩm Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà nhập khẩu Trung Quốc, và các hầu hết các thương nhân đã ngừng mua lúa mì và đậu nành sản xuất tại Mỹ.

Nhưng ông Trump vẫn tỏ ra rất lạc quan về tiến trình đạt được thỏa thuận từ sau khi có cuộc gặp với Chủ tịch nước Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái, và đa số người nông dân vẫn hoàn toàn tin tưởng lời đảm bảo của ông Trump.

John Heisdorffer, một nông dân ở bang Iowa và là chủ tịch của Hiệp hội Đậu nành Mỹ, quyết định trồng một lượng ngô và đậu nành lớn vào năm nay bởi ông tin rằng thỏa thuận thương mại đang tới rất gần.

"Chúng tôi vẫn nghe được rằng các cuộc đối thoại đang diễn ra tốt đẹp, và dường như mọi thứ sẽ được giải quyết sớm."

Tuy nhiên, hiện tại, ông Heisdorffer than thở rằng "có rất nhiều điều bất ổn và các nông dân đang trải qua các 'cung bậc' cảm xúc khác nhau" khi biết Trung Quốc tiếp tục áp thuế.

Tổn thất khó bù đắp

Ờ vùng Trung tây nước Mỹ, nông dân đang phải chống chọi với thời tiết lạnh và ẩm ướt, khiến họ phải hoãn vụ mùa - và điều này có thể khiến thiệt hại sản lượng trong năm nay. Là nông dân kiêm giám đốc phát triển thị trường của Hiệp hội đậu tương Iowa, ông Grant Kimberley vẫn đang bắt đầu trồng cây ngô trên ruộng - việc mà ông thường hoàn thành vào ngày 10/5 hàng năm. Bên cạnh đó, ông vẫn chưa bắt đầu trồng đậu nành.

"Chuyện này không thể tiếp diễn lâu hơn được nữa. Chúng tôi cần một thỏa thuận thương mại sớm, và trong thời gian đó nông dân cần được trợ cấp thêm," ông Kimberley nói.

Năm ngoái, ông Trump đã cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nông dân bị tổn thất do trả đũa thuế quan, với tổng giá trị khoảng 12 tỉ USD. Việc này đã giúp các nông dân có thêm động lực để "chờ đợi" ông Trump thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng ông Kimberley cho rằng họ sẽ cần thêm hỗ trợ nếu giá các mặt hàng vẫn tiếp tục thấp như hiện nay.

Một báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết sản lượng đậu nành tích trữ trong kho đã tăng tới 29% so với cùng kì năm ngoái.

Không kịp giải quyết hậu quả thương chiến, ông Trump quay lưng lại với những ân nhân một thời? - Ảnh 3.

Chỉ 22% nông dân Mỹ cho rằng đây là "thời điểm tốt" để đầu tư nông nghiệp quy mô lớn. Ảnh: AFP

Trả lời phóng viên vào ngày 13/5, ông Trump cho biết ông có thể sử dụng một số khoản tiền từ thuế quan - thu được từ những nhà nhập khẩu Mỹ - để hỗ trợ nông dân.

"Họ có thể bán ít nông sản hơn mà vẫn thu được về khoản tiền như vậy. Những người nông dân của chúng ta sẽ rất vui. Những nhà sản xuất cũng sẽ rất vui. Và chính phủ của chúng ta cũng sẽ vui bởi Mỹ sẽ thu về hàng chục tỉ USD," ông Trump tuyên bố.

Thuế quan của ông Trump đối với thép và nhôm nước ngoài đã khiến các quốc gia khác, bao gồm những đồng minh như Canada và Mexico, áp thêm thuế quan với hàng nông sản Mỹ.

Cuối năm ngoái, Bắc Kinh cam kết sẽ bắt đầu mua lại đậu nành của Mỹ như một phần trong thỏa thuận song phương.

Tuy nhiên việc Bắc Kinh mua thêm không thể bù đắp cho tổn thất của nông dân Mỹ. Cho tới nay Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ đậu nành Mỹ lớn nhất.

Áp lực thương mại đang đặt nặng lên những người nông dân, khiến họ khó có thể hoạch định cho tương lai.

Trong cuộc khảo sát hồi tháng 4 được thực hiện bởi Đại học Purdue, chỉ 22% nông dân cho rằng đây là "thời điểm tốt" để đầu tư nông nghiệp quy mô lớn.

Ngày 10/5 vừa qua, các tổ chức kinh doanh quy mô công nghiệp các loại nông sản như lúa mì, đậu nành và ngô đã cùng đưa ra kiến nghị chung, bày tỏ sự phản đối với động thái tăng giá thuế quan của ông Trump. Ba loại nông sản nói trên đang được trồng trên 171 triệu hécta đất canh tác ở Mỹ.

"Những người nông dân đã kiên nhẫn và mong muốn thỏa thuận đạt hiệu quả, nhưng mỗi ngày trôi qua, sự kiên nhẫn lại dần cạn kiệt. Nông nghiệp Mỹ cần sự chắc chắn, chứ không phải thuế quan," Đại diện Hiệp hội Ngô Quốc Gia Lynn Chrisp tuyên bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại