Hiệu ứng cá hồi với ông Hoàng Nam Tiến
Trong diễn đàn Diễn đàn CEO 2019 diễn ra mới đây, một câu hỏi được Bộ trưởng bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra cho FPT: Hơn ¼ thế kỷ FPT ra thế giới nhưng chúng ta vẫn đi gia công phần mềm. Làm sao để chúng ta thoát khỏi phận gia công?
"Anh Hùng 'trách' FPT Software hơn 20 năm ra nước ngoài mà vẫn làm thuê. Công nhận thế giới họ có nhiều việc làm thuê lắm, họ cũng trả lương tốt, kiếm được nhiều tiền. Khoảng 8.000 tỷ đồng doanh thu của Fsoft là từ làm thuê. Phải thừa nhận như thế", ông Tiến trả lời.
"Tôi nhớ 1 năm trước khi anh Hùng đến FPT đã nói rằng sau 20 năm vươn ra nước ngoài, 10 năm tới FPT phải làm gì cho đất nước. Do vậy, chúng tôi quyết định thay đổi rất lớn".
Theo đó, ông Tiến cho biết Chủ tịch Tập đoàn Trương Gia Bình đã quyết tâm thúc đẩy FPT làm những thứ thế giới chưa có hoặc đang làm nhưng chưa thành công. Từ khoá được đề ra là "digital transformation" – chuyển đổi số.
"20% doanh thu của chúng tôi hiện nay là từ chuyển đổi số", ông nói và cho biết FPT đang làm chuyển đổi số cho những tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Thời gian gần đây, theo ông Tiến, khách hàng của FPT đã có thêm hàng chục các doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu.
"Doanh thu tăng trưởng về chuyển đổi số của Fsoft hiện khoảng 80 – 100%/năm so với mức tăng trưởng chung khoảng 30%/năm", ông Hoàng Nam Tiến cho biết và gọi nó là động lực thực sự.
Không chỉ xem đây là mảng tiềm năng, ông Tiến cũng cho rằng đây là hành động trở về của FPT Software. Vị chủ tịch Fsoft lấy hình ảnh "cá hồi" để ví cho việc đầu tư vào chuyển đổi số.
"Chúng tôi hay ví như những con cá hồi. Con cá hồi là con rất đặc biệt được sinh ra ở đầu nguồn ngọn sông, ngọn suối. Sau khi lớn lên đi khắp bốn bể đến mùa sinh sản nó sẽ đi ngược dòng sông, về đầu nguồn để sinh đẻ và đóng góp.
Tôi nghĩ rằng đã đến lúc việc đầu tiên chúng tôi làm được trên thế giới phải quay về Việt Nam làm sao để ứng dụng được tại Việt Nam, làm sao để giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng năng suất lao động, hiệu quả hơn, cạnh tranh được với thế giới.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh điều nữa là tăng năng suất lao động. Nếu như thực sự chúng ta không thực hiện chuyển đổi số nâng năng suất lao động bằng hoặc thậm chí vượt. Đây là cơ hội rất lớn khi ứng dụng chuyển đổi số, tăng năng suất lao động nhờ chuyển đổi số là có", ông Tiến nhấn mạnh.
Hiệu ứng cá hồi với chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ
Cùng tình cờ nhắc tới hiệu ứng cá hồi bên lề phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa vợ chồng chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ lại có hàm ý khác. Khi mói về tương lai của 4 người con, ông Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định: "Các con phải có ý chí vượt qua chuyện riêng gia đình, kế thừa sự nghiệp của bố".
Theo ông Vũ, làm sao để nó (các con) thoát được suy nghĩ tầm thường bởi Trung Nguyên khác với một doanh nghiệp bình thường.
"Nếu đi sâu vào trong sẽ thấy cách Qua chuẩn bị cho nó khác hết. Mấy đứa nhỏ không thoát được con đường đó. Vấn đề ở đây không phải là ép nhưng nếu mình nói điều phải, điều đúng cho nó nói cái trong lòng nó muốn. Qua chuẩn bị là cái mà các con muốn. Nó không khác được. Qua sợ một điều là nó đi kiếm ăn bình thường như vậy là không nên.
Nó phải có ý chí, phải biết vượt qua gia đình riêng của nó, tập đoàn riêng của nó, nếu nó có cái nhìn riêng như vậy là sẽ khác. Qua sợ nó không có cái đó thôi. Qua chắc chắn nó chung chí hướng, sự nghiệp của cha nó tạo nên", ông khẳng định.
Tuy nhiên khi được hỏi liệu điều này có xảy ra khi hiện bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người trực tiếp nuôi dạy các con cũng như họ không muốn tiếp tục sự nghiệp ở Trung Nguyên, ông Vũ nhắc đến hiệu ứng cá hồi.
"Ở đây Qua nói thêm, biết về "hiệu ứng cá hồi " không? Cá hồi nó có thể đi ra tới đâu mặc kệ nó, ra biển ra hồ sống nhưng tới giờ tới giấc nó phải quay về lại. Cũng giống như người Việt đi 5 châu 4 biển già cội rồi trong tâm tư cũng hướng về", chủ tịch Trung Nguyên chia sẻ.
Khi được phóng viên hỏi "Ông tin vào điều đó? Nếu điều đó không xảy ra thì thế nào?", ông Vũ khẳng định: "Tôi chắc chắn về điều đó chứ. Không có chuyện đó đâu, trong tâm thức nó phải xảy ra."