Không hài lòng về cách sắp đặt người Kurd ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ "chĩa súng" vào Nga đe dọa?

Quốc Vinh |

Nga-Thổ đang có mâu thuẫn về cách giải quyết vấn đề người Kurd ở Syria. Điều này đang khiến cho Ankara có nguy cơ nối lại cuộc tấn công xuyên biên giới.

Mâu thuẫn

Sự khác biệt về vấn đề Syria có thể gây căng thẳng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga, nhưng điều này không có khả năng biến thành một cuộc khủng hoảng lớn vì Moscow rất thận trọng trong việc giữ tình hình nằm trong tầm kiểm soát, giới phân tích nhận định về diễn biến ở Syria hiện tại.

"Dựa trên tình hình ở Syria, Nga sẽ không phản ứng theo cách đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi quỹ đạo của mình", Hasan Koni, nhà phân tích quan hệ quốc tế, nói với Tân Hoa xã.

Sau cuộc tấn công xuyên biên giới gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại dân quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở Syria, Ankara và Moscow đã đồng ý với thỏa thuận đưa các chiến binh người Kurd ra khỏi các khu vực sát biên giới nước này.

Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố lực lượng người Kurd vẫn có mặt ở Manbij, Tal Rifat và phía Nam Ras al-Ayn, nơi quân đội Syria duy trì quyền kiểm soát.

Chỉ vài giờ sau phát biểu của ông Erdogan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phản ứng mâu thuẫn với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng lực lượng người Kurd đã rời khỏi khu vực sâu 30 km dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận đạt được giữa Ankara và Moscow.

Điều này đã đặt ra những lo ngại về việc Nga-Thổ có thể xảy ra bất đồng và dẫn đến lệnh ngừng bắn tan vỡ.

Nihat Ali Ozcan, nhà phân tích quan hệ quốc tế từ Đại học Kinh tế và Công nghệ TOBB ở Ankara, nói: "Người Nga chắc chắn sẽ không muốn làm tổn hại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã ngày càng sâu đậm hơn ở Syria".

Giới phân tích lập luận rằng Nga sẽ không muốn làm tổn hại mối quan hệ khá tốt được xây dựng trong những năm gần đây giữa hai nước vì mối quan hệ của Ankara với các đồng minh phương Tây đã trở nên tồi tệ.

"Syria không phải là vấn đề chiến lược giữa hai bên, điều này đặc biệt đúng với suy nghĩ của người Nga", Ozcan nói với Tân Hoa xã.

Sự hợp tác với Ankara ở Biển Đen, đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng hơn nhiều đối với Moscow, ông lưu ý.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mua hệ thống phòng không S-400 tinh vi từ Nga bất chấp nguy cơ trừng phạt từ Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng với Nga?

Không hài lòng về cách sắp đặt người Kurd ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ chĩa súng vào Nga đe dọa? - Ảnh 2.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không hài lòng nếu Nga bao che cho người Kurd.

Cuối tuần trước, ông Erdogan một lần nữa phàn nàn về việc người Kurd đã không rút khỏi khu vực do Nga kiểm soát dọc biên giới, đồng thời cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự nếu điều này còn tiếp diễn.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, khó có khả năng Ankara tiến hành một hoạt động quân sự toàn diện chống lại người Kurd trong giai đoạn này.

Theo chuyên gia Ozcan, vấn đề hiện tại sẽ không phụ thuộc vào diễn biến đang xảy ra như thế nào mà nó phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo.

Trong khi đó, chuyên gia Koni tin rằng người Nga có thể bật đèn xanh cho hoạt động tấn công nếu Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp bằng chứng xác thực về việc người Kurd chưa rút khỏi khu an toàn.

"Tuy nhiên, một chiến dịch toàn diện sẽ vấp phải phản ứng từ quốc tế", ông lưu ý.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế sau khi triển khai chiến dịch vào ngày 9/10.

Mặc dù vậy, cả hai nhà phân tích đều nhấn mạnh rằng căng thẳng ở mức nhỏ giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Nga ở Syria là có thể xảy ra.

Được biết, Nga vốn không coi người Kurd là mối đe dọa khủng bố và đang thúc giục lực lượng này trở thành một phần của quân đội Syria.

"Nếu SDF đồng ý trở thành một phần của quân đội Syria - điều mà SDF sẽ chấp nhận nếu được trao quyền tự trị - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rất khó chịu vì điều đó", chuyên gia Koni nói.

Việc Moscow coi người Kurd là một đối tác hợp pháp, không phải là điều mà Ankara dự kiến ​​sẽ hài lòng.

Điều tồi tệ nhất đối với Ankara là sau chiến dịch xuyên biên giới là người Kurd đã giành được nhiều thiện cảm và sự công nhận của quốc tế hơn, chuyên gia Koni nhận xét.

Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và Iran là những quốc gia có dân số người Kurd đáng kể ở Trung Đông. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia này lo ngại một thể chế người Kurd tự trị ở Syria có thể tạo tiền lệ cho gần 20 triệu người Kurd ở nước này muốn xác lập điều tương tự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại