Không gian đầy rác vì các công ty tư nhân liên tục phóng vệ tinh

Bảo Nam |

Kể từ khi vệ tinh nhân tạo Sputnik 1 được phóng lên vào năm 1957, quỹ đạo thấp quanh Trái đất đã trở thành một "bãi rác" khổng lồ với hơn 2.200 lần phóng vệ tinh cho đến nay.

Những vệ tinh đó, cùng với các thành phần khác của tên lửa đẩy và mảnh vụn từ sự tan rã cơ học, va chạm... giờ đây đã lấp đầy cả khu vực này bằng một lớp sương mù của các mảnh vụn không gian.

Và toàn bộ vẫn đang trở nên bừa bộn hơn. Trong vài tuần qua, SpaceX đã phóng tới 60 vệ tinh mới, như một phần của chương trình Starlink. Tính tới hiện tại, đã có khoảng 400 vệ tinh Starlink trên quỹ đạo thấp quanh Trái đất và khi hoàn thành, con số này có thể đạt gần 12.000 vệ tinh. Một số công ty tư nhân khác như Amazon, Telesat của Canada và ở một số nước khác cũng đang lên kế hoạch phóng các chùm vệ tinh có quy mô tương tự lên không gian.

"Các mảnh vỡ có kích thước từ vài micron đến vài mét", Stuart Gray, một kỹ sư hàng không vũ trụ tại Đại học Strathclyde, cho biết. Ông đã tạo ra một hình ảnh mô phỏng ấn tượng của hơn 20.000 vật thể có kích thước lớn hơn 10cm, hiện đang quay quanh Trái đất.

Mô phỏng đám mây rác vũ trụ quanh Trái đất

Các nhà thiên văn nghiệp dư đã bày tỏ mối quan tâm về số lượng vật thể chuyển động sáng chói trên bầu trời đêm ngày càng tăng này. Nhưng người lo lắng thực sự có lẽ là các chuyên gia nghiên cứu khoa học.

Việc rác không gian ngày càng trở nên đông đúc trong quỹ đạo Trái đất sẽ gây ra những hậu quả không thể tránh khỏi, đặc biệt đối với các nhà thiên văn học trên mặt đất. Các bề mặt nhẵn bóng của rác không gian hay các vệ tinh có thể phản xạ các tia từ mặt trời. Và những chùm ánh sáng cực mạnh này sẽ lấn át các nguồn sáng yếu phản xạ từ các ngôi sao, khiến việc quan sát các vật thể ở xa trong không gian trở nên khó khăn hơn. Hàng tỷ USD đã được chi cho các dự án kính viễn vọng quang học, nhưng hiệu quả mang lại có thể bị đám mây rác kia hủy hoại hoàn toàn.

SpaceX từng tuyên bố với công chúng rằng Starlink sẽ không góp phần vào vấn đề rác thải không gian này, đồng thời cho biết họ đã thực hiện các bước để giảm thiểu tác động đối với việc quan sát trong lĩnh vực thiên văn học. Ví dụ như sử dụng lớp phủ màu đen trên vệ tinh để hạn chế việc làm giảm tầm nhìn hay điều chỉnh một số quỹ đạo của vệ tinh nếu cần thiết. Nhưng hiệu quả của những động thái này khó có thể đánh giá một cách chính xác.

Không gian đầy rác vì các công ty tư nhân liên tục phóng vệ tinh - Ảnh 2.

Các công ty tư nhân vẫn đang không ngừng "ném rác" lên vũ trụ.

Ngoài ra, việc tầng quỹ đạo thấp quanh Trái đất ngày càng dày đặc, cũng sẽ gây ra trở ngại cho các vệ tinh và những phương tiện không gian khác, bao gồm cả những phương tiện được thiết kế để chở con người. Để đạt được quỹ đạo mong muốn, các vệ tinh cần có được sự cân bằng giữa tốc độ và tác động của lực hấp dẫn từ Trái đất. Tốc độ mà một vệ tinh phải di chuyển để đạt được sự cân bằng này phụ thuộc vào độ cao của nó so với mặt đất. Càng gần Trái đất, tốc độ quỹ đạo yêu cầu càng nhanh.

Ở độ cao khoảng 200 km, vận tốc quỹ đạo yêu cầu là cao hơn một chút so với 7,4 km/s. Và bất kỳ vật thể nào ở cùng quỹ đạo này cũng sở hữu tốc độ tương tự. Và nếu có va chạm xảy ra, tốc độ kết hợp có khả năng lên đến 15km/s. Tác động mang lại có thể cực kỳ nghiêm trọng đối với các phi hành gia và trạm vũ trụ, giống như những cảnh mở đầu đầy kịch tính của bộ phim Gravity phát hành năm 2013.

Tai nạn thảm khốc từ rác vũ trụ trong phim Gravity.

Có lớp chắn va chạm trên các vệ tinh và phương tiện không gian được thiết kế để ngăn các vật thể nhỏ hơn 1cm đâm vào chúng. Do đó, các mảnh vụn lớn sẽ giống như những "thiên thạch" và có thể gây ra các thiệt hại đáng kể, thậm chí hủy hoại toàn bộ thiết bị.

Do đó, các cơ quan không gian như NASA và ESA đã thiết lập các chương trình nghiên cứu mảnh vỡ quỹ đạo để quan sát các chúng, nhằm tìm ra chiến lược hiệu quả để kiểm soát tác động mà chúng có thể gây ra.

Tuy nhiên, với việc sử dụng và thương mại hóa không gian ngày càng tăng, nguy cơ của các sự kiện thảm khốc liên quan đến các mảnh vỡ quỹ đạo cũng sẽ tăng theo. Và chỉ khi nào chúng ta giải quyết được vấn đề rác không gian, cánh cửa sổ hướng ra bên ngoài vũ trụ mới thực sự được mở hoàn toàn.

Tham khảo TheNextWeb

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại