Không giảm phí, không di dời trạm Cai Lậy!

MINH SƠN - VĂN DUẨN - GIA MINH |

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật khẳng định như vậy, mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt sai chỗ, thu phí quá cao khiến nhiều người phản ứng

Ngày 11-8, tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) không còn xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông như những ngày trước đó.

Trên các tuyến Huyện lộ 63, Huyện lộ 67, số lượng xe lưu thông qua đây để tránh trạm thu phí không nhiều.

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng huyện Cai Lậy, mỗi ngày đêm có 600-700 xe đã đi đường vòng tránh trạm.

Chưa thỏa đáng

Nhiều ngày qua, hàng trăm tài xế liên tục phản ứng khi đi qua trạm thu phí Cai Lậy vì cho rằng đặt sai vị trí, xe không đi vào đường tránh nhưng vẫn bị thu tiền với mức cao.

Thậm chí, một số tài xế đã nhét tiền lẻ vào chai nước suối rồi nộp gây ùn tắc giao thông qua trạm.

Trước ý kiến cho rằng trạm thu phí Cai Lậy đặt sai vị trí cùng với mức phí quá cao, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng để xây dựng một trạm thu phí, chủ đầu tư trước đó phải dựa trên những cơ sở nhất định, bao gồm các tính toán chi tiết về địa thế, vốn đầu tư hạ tầng, vị trí đặt trạm thu, mức phí cũng như thời gian áp dụng để thu hồi vốn…

Tất cả những yếu tố trên đều phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì mới có thể đưa vào hoạt động trạm thu phí.

Vấn đề cần thiết hiện nay là các cơ quan có thẩm quyền phải công khai với người trả phí về việc dựa trên cơ sở nào để xây dựng trạm thu phí tại khu vực trên cũng như mức phí đang áp dụng có đúng với quy định hay không.

"Chưa thể đánh giá mức phí tại trạm thu Cai Lậy cao hay thấp bởi phải xem xét lại việc tính toán như thế nào, dựa trên cơ sở gì, có phù hợp hay không với các quy định trước khi trình cơ quan chức năng phê duyệt. Vì vậy, nhất định phải có sự trả lời thỏa đáng" - ông Nguyên nói.

TS Phạm Sanh, chuyên giao giao thông, phân tích thêm về nguyên tắc đặt trạm thu phí, việc làm mới đường tránh tại đâu thì phải đặt trạm thu tại đó.

Đồng thời, công tác duy tu, sửa chữa Quốc lộ 1 đã có vốn từ nguồn bảo trì đường bộ, không dùng vốn BOT nên việc để Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) tăng cường mặt đường trên Quốc lộ 1 đoạn dài hơn 26 km rồi đặt trạm thu phí tại đây là trái nguyên tắc.

Còn với mức phí áp dụng ở trạm thu, ông Sanh nhận định cách giải thích của giám đốc BOT Tiền Giang rằng đơn vị không tự áp đặt mà do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng Bộ Tài chính ban hành là chưa thỏa đáng.

Bởi khi lập dự án BOT, đơn vị này phải báo cáo cụ thể về mức giá sẽ áp dụng trên cơ sở tính toán sát với thực tế để cơ quan có thẩm quyền xem xét, ấn định khung thời gian thu phí nhằm thu hồi vốn cho nhà đầu tư.

"Việc đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 không chỉ cho riêng tỉnh Tiền Giang mà cả khu vực ĐBSCL, từ TP HCM đến các tỉnh miền Tây và ngược lại... Vì vậy, vấn đề này nếu không có câu trả lời thỏa đáng sẽ còn gây ra nhiều bức xúc trong dư luận" - TS Phạm Sanh nói.

Không giảm phí, không di dời trạm Cai Lậy! - Ảnh 1.

Giao thông qua trạm thu phí Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) ùn tắc khi tài xế đóng phí bằng tiền lẻẢnh: MINH SƠN

"Làm gì cũng phải đúng luật"

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết quy định hợp đồng BOT đã được ký với nhà đầu tư, Thông tư 159 về mức thu phí cũng đã được Bộ GTVT, Bộ Tài chính thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan chức năng.

"Chúng ta phải sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Làm gì cũng phải có kỷ cương phép nước, chứ không phải ai muốn làm gì thì làm... Hàng ngàn xe đi qua, họ tuân thủ, tại sao chỉ có một số ít tài xế phản ứng?" - ông Nhật nói.

Theo ông Nhật, nếu muốn phản ánh gì, tài xế nên đề đạt để các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, chứ không thể hành động phản cảm như việc bỏ tiền lẻ vào chai nước như vậy.

"Trước mắt, trạm BOT Cai Lậy vẫn phải thu phí theo giá đã được phê duyệt và sẽ không có chuyện di dời vị trí hay giảm phí ở trạm BOT này" - ông Nhật khẳng định.

Về ý kiến so sánh mức giá giữa cao tốc TP HCM - Trung Lương với trạm BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Nguyễn Nhật phân tích: Với trạm BOT Cai Lậy, nhà đầu tư phải vay vốn từ ngân hàng để làm, rồi phải trả lãi suất ngân hàng chứ không sử dụng ngân sách nhà nước.

Còn tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương đã làm từ lâu, lại sử dụng vốn vay ODA để đầu tư. Do đó, việc so sánh mức phí của 2 tuyến đường này là khập khiễng.

Trước mắt, ông Nhật cho rằng UBND tỉnh Tiền Giang phải thuyết phục, tuyên truyền đến người dân.

Việc nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 1 và đường tránh ở Tiền Giang, ngân sách không có kinh phí, chủ đầu tư phải vay tiền để thực hiện, do đó họ phải thu phí hoàn vốn theo đúng quy định được các bộ, ngành phê duyệt. Người dân cần đồng tình ủng hộ chủ trương này.

Chờ Tổng cục Đường bộ báo cáo về kết quả làm việc với chủ đầu tư, UBND tỉnh, Bộ GTVT sẽ có những quyết định tiếp theo liên quan đến trạm BOT Cai Lậy.

Theo ông Nhật, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đang rà soát những bất cập về các trạm BOT trên toàn quốc. Sau khi rà soát xong, trạm thu phí BOT nào giảm phí hay không, giảm bao nhiêu sẽ công khai đến người dân.

Tổng cục Đường bộ làm việc với chủ đầu tư

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết tổng cục đang làm việc với chủ đầu tư BOT Cai Lậy để lắng nghe những vấn đề vướng mắc, các kiến nghị. Sau đó, tổng cục sẽ làm việc với tỉnh Tiền Giang và báo cáo Bộ GTVT.

Theo ông Thắng, việc đặt trạm BOT Cai Lậy ở Quốc lộ 1 hay tuyến đường tránh, đều qua quá trình nghiên cứu, khảo sát, xin ý kiến đồng thuận với địa phương từ trước khi đặt trạm. Còn mức thu phí bao nhiêu là do Bộ Tài chính phê duyệt, ban hành.

"Nguyên tắc làm việc của Bộ GTVT và tổng cục là làm sao để bảo đảm quyền lợi của người dân và các chủ đầu tư BOT" - ông Thắng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại