Không được đặt tên doanh nghiệp trùng với danh nhân thuộc top những quy định tồi nhất

Phong Lan |

Quy định không được đặt tên doanh nghiệp trùng với danh nhân nằm trong điều 2, Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch thuộc top nhưng điều khoản "tồi" nhất theo đánh giá của doanh nghiệp và chuyên gia.

Sáng 28/2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức công bố 30 quy định pháp luật tốt nhất và 30 quy định pháp luật kém nhất theo bình chọn của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia sau hơn 1 năm khởi động chương trình.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ví von rằng cuộc bình chọn là giải "Oscar" của các văn bản pháp lí ở Việt Nam. Cuộc bình chọn này, theo đơn vị tổ chức, nhằm rút ra bài học kinh nghiệm về xây dựng pháp luật với mỗi cơ quan, tổ chức có liên quan, để có những quy định, thể chế hợp lý vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát, nằm trong top giải Mâm xôi vàng có nhiều ví dụ điển hình, như yêu cầu trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy trên xe ôtô tại Thông tư 57/2015 của Bộ Công an, hay quy định "Giấy vàng – Giấy trắng" trong đăng ký doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp 2014.

Quy định không được đặt tên doanh nghiệp trùng với danh nhân nằm trong điều 2, Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cũng nằm trong những điều luật tồi nhất. Theo báo cáo, quy định này hoàn toàn mâu thuẫn với khoản 3 Điều 32 của Luật doanh nghiệp 2005 chỉ hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Theo các chuyên gia, việc không có danh sách các danh nhân mà doanh nghiệp không thể đặt tên gây khó khăn cho quá trình thực hiện của doanh nghiệp. Không những thế, điều này còn có thể tạo ra sự nhũng nhiễu, bởi các cán bộ đăng kí kinh doanh có thể diễn giải tùy tiện thế nào là danh nhân.

Điều 3, 4, 5 thông tư số 09/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về điều kiện được thiết lập mạng xã hội của doanh nghiệp cũng không tránh được đánh giá tồi với vị trí 27.

Xét về tính hợp lý, tính khả thi và sự cạnh tranh, báo cáo này cho rằng trong xã hội công nghệ hiện đại, hầu hết trang web, ứng dụng điện thoại, máy tính và các mô hình start-up trẻ đều được coi là mạng xã hội. Việc đưa ra quá nhiều các yêu cầu, điều kiện khó khăn để được cấp phép kinh doanh mạng xã hội là rào cản chính sách đối với các start-up trẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghệ Việt Nam.

Hơn hết, việc quản lí mạng xã hội thông qua công cụ giấy phép chỉ tác động đến các doang nghiệp trong nước, còn các mạng xã hội của nước ngoài không quản lí được. Điều này vô hình trung là sự bảo hộ đối với các doanh nghiệp nước ngoài, chống lại doanh nghiệp Việt Nam.

Ngay khi có văn bản của Phòng VCCI về cuộc bình chọn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản trả lời. Trong đó, Bộ cũng nêu việc đang tiến hành rà soát những quy định chưa phù hợp với thực tiễn xã hội để kiến nghị Chính phủ cho phép sửa đổi.

Đứng vị trí cuối cùng trong danh sách các quy định kém nhất là "Thời gian làm thêm không quá 200 giờ/năm" - điều 106, Bộ Lao động, quy định về số giờ làm thêm của người lao động trong một ngày, một tháng và một năm.

Nguyên nhân là Việt Nam hiện có ưu thế cạnh tranh với các quốc gia về giá nhân công, nhưng lại chỉ cho phép làm thêm quá ít giờ so với các nước khác (Nhật Bản 720 giờ/năm, Trung Quốc 600 giờ/năm Malaysia 104 giờ/ tháng).

Điều này, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, cản trở nhiều người lao động muốn làm thêm giờ do được hưởng lương cao hơn, có thể được công ty trả thêm tiền bữa ăn tối, trong khi buộc các doanh nghiệp phải chi thêm nhiều tiền để thuê thêm nhân công, thêm chi phí về đào tạo, phúc lợi, bảo hiểm...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại