Không dừng xe chỉ để kiểm tra “chính chủ”

THÂN HOÀNG |

Nhiều người dân đang lo lắng trước thông tin từ ngày 1-1-2017, người sử dụng môtô, xe gắn máy hoặc những người là chủ xe mà không làm thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ sẽ bị xử phạt.

Tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, tình trạng người đi xe do người khác đứng tên rất phổ biến.

Nhiều người dân thắc mắc rằng khi quy định xử phạt xe “không chính chủ” được áp dụng thì có gây ra nhiều phiền toái không, vì trong một gia đình có nhiều người sử dụng chung một xe máy, vợ đi xe của chồng, bạn bè mượn xe của nhau có bị phạt không?

Nhiều người lo lắng thủ tục sang tên đổi chủ phức tạp, tốn thời gian vì có những xe được mua đi bán lại nhiều lần, chuyển 
qua rất nhiều chủ...

Thủ tục sang tên đơn giản

Theo một lãnh đạo Cục CSGT, quy định người dân phải làm thủ tục sang tên, đổi chủ cho môtô, xe gắn máy đã được thông tin rộng rãi từ năm 2014. Công tác đăng ký, sang tên, đổi chủ được đơn giản hóa, các thủ tục cũng được quy định rõ trong thông tư 15 của Bộ Công an.

Theo đó, khi đi đăng ký sang tên xe trong cùng tỉnh, người dân cần mang theo hồ sơ gồm: giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an cấp xã nơi người đó thường trú;

Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe; chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng; giấy chứng nhận đăng ký xe.

Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe...

Thiếu tướng Trần Thế Quân - cục phó Cục Pháp chế, Bộ Công an - cho biết đa số người dân lo lắng việc xe mua từ lâu, qua nhiều chủ xe nên rất khó tìm được người đứng tên trên giấy tờ xe để làm thủ tục sang tên.

Với những trường hợp này khi đến công an địa phương sẽ được cấp tờ khai, chủ xe phải cam kết chịu trách nhiệm về tính pháp lý của xe mình đang sử dụng và sẽ được tạo điều kiện để làm thủ tục sang tên.

Nếu xảy ra tranh chấp về tính pháp lý của chiếc xe này thì người cam kết 
phải chịu trách nhiệm.

Sử dụng chung xe máy không bị xử phạt

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục CSGT, Bộ Công an cho biết cảnh sát chỉ phạt chủ xe không sang tên đổi chủ trong quá trình giải quyết vi phạm giao thông, còn lại không được dừng xe chỉ để kiểm tra việc này.

Cụ thể, khi phát hiện lỗi vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm... hoặc khi giải quyết tai nạn giao thông nếu phát hiện lỗi chưa sang tên đổi chủ 
thì sẽ xử phạt.

Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết thêm sẽ có trường hợp xử phạt lỗi không chính chủ đối với người đứng tên giấy tờ chủ xe, có trường hợp xử phạt với người điều khiển xe.

Qua quá trình điều tra, xử lý hành chính, khi kiểm tra giấy tờ nếu người chủ xe trên giấy tờ không thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ thì người này sẽ bị xử phạt. Nếu trong trường hợp chủ xe đã ký giấy bán xe mà người điều khiển không chịu làm thủ tục thì người này sẽ bị xử phạt.

Về băn khoăn của người dân rằng xe mượn của bạn, người trong một gia đình sử dụng chung xe thì có bị xử phạt lỗi đi xe không chính chủ không, ông Quân cho biết sẽ không xử phạt trong tình huống này.

“Cảnh sát giao thông sẽ không xử phạt người đi xe mượn. Trong một nhà, vợ chồng, con cái đi xe của nhau là hết sức bình thường, chỉ cần cầm giấy chứng nhận đăng ký xe đi là được” - ông Quân nói.

Theo ông Quân, việc chứng minh xe là của bố mẹ, anh chị cũng rất đơn giản.

“Có rất nhiều cách, qua giấy tờ tùy thân hoặc gọi điện thoại để chứng minh là xe của người nhà. Thời gian tới, hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư đầy đủ, cơ sở dữ liệu căn cước công dân bằng điện tử đầy đủ thì kiểm tra rất dễ.

Người dân chỉ cần đưa chứng minh, người đứng tên chủ xe đang ngồi nhà đọc số thẻ căn cước, chứng minh nhân dân thì lực lượng chức năng kiểm tra sẽ biết ngay là người nhà”.

Sẽ xử phạt nếu không đăng ký sang tên

Cục CSGT cho biết theo điều 30 nghị định 46, từ ngày 1-1-2017, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng với tổ chức là chủ môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên (chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên mình).

Việc này áp dụng cả với diện "được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản".

Luật sư Nguyễn Văn Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Sang tên để tránh rủi ro phát sinh

Quy định bắt buộc sang tên đổi chủ đối với môtô, xe gắn máy về lâu dài mang lại lợi ích trong quản lý cho cả cơ quan chức năng và cho người dân.

Trong công tác giải quyết tai nạn giao thông hoặc giải quyết những vụ án, việc đăng ký chính chủ sẽ giúp ích rất nhiều cho cảnh sát trong quá trình điều tra, không bị mất thời gian đi tìm chủ sở hữu xe.

Về phía người dân, nên làm thủ tục chuyển quyền sở hữu khi mua bán xe theo quy định của pháp luật để tránh các rủi ro phát sinh sau này.

Thực tế có nhiều chủ xe đã bán xe nhưng không chịu sang tên, sau đó người mua xe điều khiển xe gây tai nạn giao thông chết người, người chủ cũ vẫn bị triệu tập tham gia vụ án với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Khi đó chủ xe phải chứng minh được mình không có trách nhiệm gì trong việc giao xe cho người gây tai nạn, nếu không chủ xe sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xe của mình gây ra.

Về phía người mua xe, nên đăng ký làm thủ tục sang tên đổi chủ để tránh việc bị xử phạt và tránh việc mua phải xe gian.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại