Núi lửa Anak Krakatau phun trào hôm 22/12.
Ít nhất 281 người đã thiệt mạng cùng hàng trăm người bị thương sau khi cơn sóng thần tấn công bờ biển quanh eo biển Sunda của Indonesia tối 22/12.
Chỉ trong vài phút, các bờ biển đã trở nên tan hoang. Hậu quả khiến hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy và nhiều người còn mất tích. Nguyên nhân gây ra sóng thần lần này xuất phát từ việc núi lửa nổi tiếng Anak Krakatau (Đứa con của Krakatau) phun trào.
Giới chức Indonesia ban đầu không phát cảnh báo sóng thần mà thông báo đây chỉ là hiện tượng triều cường và khuyên người dân không cần hoảng loạn. Trận sóng thần đã để lại hậu quả khủng khiếp và không được cảnh báo trước một phần do không đi kèm động đất.
Hoạt động núi lửa từ Anak Krakatau đã gây ra một trận lở đất dưới nước khiến nước biển dâng bất thường và kéo theo sóng thần, theo phát ngôn viên của Cơ quan thảm họa quốc gia, ông Sutopo Purwo Nugroho.
Đảo núi lửa Anak Krakatoa nằm ở độ cao 365 m so với mực nước biển.
Mặc dù tương đối hiếm, các vụ phun trào núi lửa dưới biển có thể gây ra sóng thần do sự dịch chuyển đột ngột của nước hoặc sự trượt dốc của các lớp đất đá, theo Trung tâm Thông tin Sóng thần Quốc tế.
Giải thích về hiện tượng này, Giáo sư Benjamin P Horton thuộc Đài thiên văn Trái đất Singapore cho biết: “Theo cơ chế này, sóng thần được tạo ra do sự dịch chuyển đột ngột của nước bởi núi lửa phun trào, do sự trượt dốc, hoặc bởi một vụ nổ và sự sụp đổ/nhấn chìm các mảng magma”.
Anak Krakatau là một hòn đảo núi lửa nhỏ nổi lên từ đại dương nửa thế kỷ sau vụ nổ của núi lửa Krakatoa năm 1883 khiến hơn 36.000 người thiệt mạng.
Theo cơ quan địa chất của Indonesia, Anak Krakatau đã có dấu hiệu hoạt động tăng cao trong nhiều ngày trước khi thảm kịch xảy ra, phun đám tro bụi hàng nghìn mét vào không khí. Núi lửa Anak Krakatau đã phun trào sau 21h tối 22/12.
Mặc dù sóng thần xảy ra sau khi núi lửa phun trào từng xảy ra trước đây nhưng đó là hiện tượng “rất hiếm”, theo Giáo sư Horton. Tuy nhiên, hậu quả mà nó để lại vô cùng lớn.
“Vì lở đất thường có thể liên quan đến một lượng lớn đất đá và chúng có thể đổ xuống những vùng nước tương đối nông, sóng thần được tạo ra từ đó có thể ở mức rất cao và đôi khi được gọi là sóng thần lớn. Trận sóng thần có cường độ mạnh nhất mà thế giới từng ghi nhận đã xảy ra vào ngày 9/7/1958, khi một trận lở đất do động đất đã khiến đất đá tràn xuống vịnh Lituya cuả Alaska. Sóng thần sau đó đạt đến độ cao tối đa 524 m”, ông Horton nói.
Bên cạnh đó, sức tàn phá của sóng thần càng khủng khiếp khi xảy ra đúng lúc thủy triều lên cao. Điều này khiến sóng thần cao hơn nhiều so với bình thường. Và trong thảm họa tại Sunda lần này, cơn sóng thần đã hình thành trong đúng hoàn cảnh đó.