Ban Tổ chức T.Ư vừa tổ chức Hội nghị công tác luân chuyển cán bộ và lấy ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan có cán bộ luân chuyển đi và đến, cán bộ luân chuyển vào Dự thảo Báo cáo sơ kết công tác luân chuyển cán bộ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị nhiệm kỳ 2011-2016.
Trong nhiệm kỳ 2011-2016, cả nước đã luân chuyển 18.840 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp. Luân chuyển kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không phải người địa phương đối với 3.121 lượt cán bộ ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tại Hội nghị, một số ý kiến đề nghị, việc bố trí cán bộ luân chuyển cần đúng với sở trường của cán bộ, làm sao để phát huy trình độ, năng lực của cán bộ. Cũng có ý kiến đề nghị nên mạnh dân phân công cho cán bộ luân chuyển vào vị trí cấp trưởng...
Là người đã từng được luân chuyển về làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương trong giai đoạn 2014- 2015, ông Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập trong công tác luân chuyển cán bộ thời gian qua.
Trong đó, trường hợp Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển từ Bộ Công thương về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang là một ví dụ điển hình.
"Trịnh Xuân Thanh khi đó không nằm trong quy hoạch, không đủ tiêu chuẩn được luân chuyển nhưng cuối cùng vẫn "lọt lưới" được luân chuyển từ Bộ Công thương về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Nếu không bị phát hiện thì có thể Trịnh Xuân Thanh sẽ còn tiến xa, vì quy hoạch làm đến Thứ trưởng", ông Vân nói.
Vì thế theo ông Vân, việc lựa chọn ai để luân chuyển phải được đặc biệt coi trọng. Bên cạnh đó phải bịt chặt những kẽ hở để không xảy ra những trường hợp tương tự như Trịnh Xuân Thanh.
"Tổng Bí thư đã từng nêu câu hỏi có việc "chạy" luân chuyển hay không? Vậy có tình trạng này hay không? Do đó, lần này phải có những giải pháp chặt chẽ, không để tình trạng trên xảy ra", ông Vân nói.
Ông Vân cũng đề nghị, cần phải có những giải pháp để những người luân chuyển về địa phương bộc lộ, phát huy được năng lực của bản thân.
Bởi có nhiều trường hợp khi luân chuyển về ngại va chạm, dĩ hoà vi quý, không bộc lộ được bản thân. Ngược lại những người xông xáo, không ngại va chạm thì có khi lại bị làm khó.