Không lâu nữa, quyết định này có thể được giao hoàn toàn cho máy móc. "Đây là khoảnh khắc Oppenheimer của thế hệ chúng ta" - Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg cảnh báo tại một hội nghị quốc tế diễn ra ở thủ đô Vienna - Áo trong 2 ngày 29 và 30-4.
Theo trang Bloomberg, ông Schallenberg muốn nói đến nhà khoa học Robert Oppenheimer, người góp phần phát minh bom nguyên tử vào năm 1945 trước khi kêu gọi kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Giới chức dân sự, quân sự và công nghệ đến từ hơn 100 quốc gia đã tham dự hội nghị nói trên, tập trung thảo luận các biện pháp kiểm soát việc kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) với công nghệ quân sự.
Trong tuyên bố chung đưa ra tại hội nghị, các đại biểu cam kết hợp tác khẩn cấp với tất cả bên liên quan để xây dựng công cụ pháp lý quốc tế nhằm điều chỉnh hệ thống vũ khí tự động. Một số chuyên gia đã lên tiếng kêu gọi một hiệp ước kiểm soát vũ khí AI do Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đàm phán.
Tuy nhiên, ông Alexander Kmentt, quan chức giải trừ vũ khí hàng đầu của Áo, cho rằng hướng tiếp cận cổ điển như trên nhiều khả năng không có tác dụng.
"Chúng ta không đang nói về một hệ thống vũ khí đơn lẻ, mà là sự kết hợp của các công nghệ lưỡng dụng" - ông giải thích, đồng thời dự đoán các nước có thể sẽ phải xoay xở với bộ công cụ pháp lý sẵn có. Về lâu dài, khi công nghệ vũ khí AI trở nên dễ tiếp cận hơn, các quốc gia có thể sẽ phải soạn thảo luật lệ mới.
Dù vậy, theo chuyên gia Jaan Tallinn của Công ty DeepMind Technologies (Anh), xung đột lan rộng trên thế giới và các biện pháp khuyến khích tài chính để thúc đẩy AI là những thách thức chính đối với nỗ lực quản lý vũ khí AI. Nhiều chính phủ đã hợp tác với các công ty để tích hợp công cụ AI vào quốc phòng. Riêng Lầu Năm Góc đang rót hàng triệu USD vào các công ty khởi nghiệp về AI.