Không dễ bán hàng cho “nhà giàu”

Vương Ngọc |

Việc xuất khẩu rau quả đi thị trường khó tính, đặc biệt là hàng tươi, không phải là bài toán kinh doanh đơn giản.

Trong lúc nhiều ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (gạo, tiêu, cà phê,…) của Việt Nam tăng trưởng chậm, thậm chí có lúc giảm thì ngành rau quả, từ năm 2013 liên tục tăng trưởng bình quân 30%/năm.

Theo thống kê mới nhất vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,64 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Tin vui của ngành rau quả dồn dập như thanh long tươi đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Úc được niêm yết giá tương đương 210.000 đồng/kg, gấp 7 lần trong nước; tía tô xuất khẩu đi Nhật bán giá 500-700 đồng/lá.

Tại nhiều hội nghị, hội thảo về nông nghiệp, một số diễn giả đã nêu ra những ví dụ trên như là cơ hội để làm giàu mà nhiều người chưa biết nắm bắt.

Rồi trách nông dân thích làm ăn kiểu cũ, bán cho thương lái xuất khẩu đi Trung Quốc, khi thị trường này thay đổi hoặc siết chặt nhập khẩu, lập tức mặt hàng đó dư thừa, dẫn đến câu chuyện liên tục "giải cứu nông sản".

Nhưng thực tế, xuất khẩu rau quả đi thị trường khó tính, đặc biệt là hàng tươi, không phải là bài toán kinh doanh đơn giản.

Ngoài yêu cầu về quản lý vùng trồng, quy trình canh tác, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản,... phải bảo đảm an toàn thực phẩm (như: không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật gây hại,...), kiểm dịch thực vật theo quy định của nước nhập khẩu.

Vấn đề khó là doanh nghiệp (DN) xuất khẩu phải đáp ứng về mẫu mã, độ đồng đều, số lượng hàng đủ lớn và giá bán cạnh tranh.

Đối với nông sản tươi, để có mẫu mã đẹp là vô cùng khó do sâu bệnh tấn công nhưng lại không được phép dùng thuốc (bảo vệ thực vật, bảo quản). Yêu cầu về kích cỡ đồng đều với nông sản cũng hết sức nan giải vì nông sản không phải là hàng công nghiệp đúc theo khuôn nên muốn có hàng theo cỡ phải lựa.

Từ 2 yêu cầu trên dẫn đến rất nhiều rau quả bị loại dù vẫn bảo đảm về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Có những đợt thu hoạch tại các vườn được phép xuất khẩu đi thị trường khó tính, tỉ lệ hàng tuyển đúng theo cầu chỉ có 10%-20%.

Ngoài ra, còn nhiều yêu cầu vô lý, không thể giải thích vì sao nhưng DN muốn bán được hàng thì phải tuân theo. Do đó, để đầu tư trang trại chuyên xuất khẩu đi thị trường khó tính chi phí cao, giá thành cho mỗi kg rau quả chính phẩm xuất khẩu rất cao, cách biệt so với rau quả canh tác thông thường, khả năng sinh lợi kém.

Thời gian qua, đã có trường hợp DN do không đủ sản lượng rau quả xuất khẩu đúng yêu cầu về mẫu mã, kích cỡ đã đi gom hàng ở ngoài vùng nguyên liệu. Từ đó, không kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm. Bản thân DN khi bị nước nhập khẩu phát hiện sẽ bị tiêu hủy hàng, phạt tiền, thiệt hại rất lớn và có thể dẫn đến phá sản còn uy tín của Việt Nam ở thị trường quốc tế cũng bị suy giảm.

Như vậy, vấn đề đặt ra là để DN bám trụ và phát triển thị trường rau quả xuất khẩu ở phân khúc cao cấp, cần có quyết tâm quản lý từ nhà nước. Nhà nước cần rút ngắn khoảng cách giữa canh tác thông thường và canh tác theo yêu cầu của thị trường khó.

Bởi vì, xét cho cùng thì người tiêu dùng ở đâu cũng cần rau quả an toàn, nhất là hàng tươi, dùng ngay không qua chế biến nên nếu có tồn dư nguy cơ mất an toàn thực phẩm thì người tiêu dùng lãnh đủ. Người tiêu dùng nhà giàu ăn hàng sạch, mẫu mã đẹp, giá cao; người tiêu dùng bình dân dùng loại không cần bắt mắt, giá rẻ.

Hiện nay, việc quản lý vật tư nông nghiệp còn lỏng lẻo từ phân bón dỏm, giả đến thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. Chưa kể một số loại thuốc có hoạt chất bị thế giới cấm như carbendazim (dùng để trị nấm) thì Việt Nam vẫn cho lưu hành hợp pháp đến tháng 3-2019.

Từ đó, dẫn đến khả năng nông sản Việt Nam bị nhiễm carbendazim cao và DN xuất khẩu đi thị trường khó tính sẽ khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu từ những vùng liên kết. Phần lớn DN Việt có quy mô vừa và nhỏ, nếu đầu tư tất cả từ canh tác đến thu hoạch, sơ chế, đóng gói, xử lý, xuất khẩu sẽ rất khó để tăng sản lượng bền vững ở thị trường khó tính.

Cũng cần nhìn lại về cơ cấu thị trường xuất khẩu rau quả, trong 8 tháng đầu năm, thị trường Trung Quốc hiện vẫn chiếm tới 76,1%, 3 thị trường liền kề là Nhật, Mỹ, Hàn Quốc tổng cộng chỉ chiếm 9% kim ngạch.

Điều này cho thấy sau nhiều cố gắng, ngành rau quả Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vì những cố gắng đa dạng hóa thị trường của cơ quan quản lý Việt Nam vẫn chỉ mới là bước đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại