Không 'dàn đều' khi thành lập Thanh tra Tổng cục, cục thuộc Bộ

Luân Dũng |

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc thành lập Thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ, thanh tra sở và thanh tra chuyên ngành ở một số cơ quan trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”.

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) vừa được Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông báo, nêu rõ: Sau khi thảo luận, cho ý kiến, cơ quan thường trực của Quốc hội cơ bản tán thành giữ mô hình hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra 3 cấp như hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện.

Ủy ban Thường vụ yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, lập luận đầy đủ, thuyết phục nội dung còn có ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức Thanh tra huyện, để báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Không dàn đều khi thành lập Thanh tra Tổng cục, cục thuộc Bộ - Ảnh 1.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh QH

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, thẩm tra về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), một số ý kiến đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện. Điều này góp phần giảm đầu mối, tinh giản biên chế, đồng thời khắc phục tình trạng “dàn đều” về biên chế.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình, và đề nghị tiếp tục mô hình thanh tra ba cấp như hiện nay.

Bên cạnh nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung trong Luật Thanh tra quy định về nhiệm vụ phòng chống tiêu cực của cơ quan thanh tra để thực hiện trách nhiệm là cơ quan đầu mối trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng kết luận tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành quy định trong luật về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, cục thuộc bộ, Thanh tra sở và thanh tra chuyên ngành ở một số cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ lưu ý, việc thành lập các cơ quan thanh tra này phải bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”, không phải tất cả các tổng cục, cục thuộc bộ, sở, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành; nghiên cứu quy định cụ thể trong luật về tiêu chí, nguyên tắc thành lập các cơ quan thanh tra này, đồng thời, phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần quy định rõ cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước trong xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra, kế hoạch hoạt động của Kiểm toán nhà nước. Điều này nhằm lược bỏ ngay từ đầu những nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm toán có nguy cơ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp.

Điểm lưu ý khác được đưa ra là phân định rõ trách nhiệm giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, bảo đảm từng chủ thể thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tránh can thiệp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, chính xác của kết luận thanh tra.

“Quy định cơ chế, quy trình thủ tục ban hành kết luận thanh tra bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, đúng thực tế thanh tra”, thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo đúng quy định.

Hồ sơ dự án luật sau khi tiếp thu, hoàn chỉnh phải được gửi đến các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Pháp luật để thẩm tra trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Về hình thức thanh tra, chỉ còn quy định 2 hình thức: thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, cần phân biệt rõ “hình thức thanh tra” và “hoạt động thanh tra” để có cách thể hiện trong luật phù hợp, chính xác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại