Không còn IS, Thổ Nhĩ Kì - Syria hợp sức giúp trẻ em bị IS "tẩy não" tái hòa nhập xã hội

Tất Đạt |

Công cuộc tái thiết đã bắt đầu trên khu vực biên giới giữa Syria - Thổ Nhĩ Kì. Bên cạnh điện nước và cơ sở hạ tầng, giáo dục cho trẻ em cũng là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.

Hành trình tái hòa nhập cho cựu lính IS

Tại trung tâm tái hòa nhập dành cho các cựu chiến binh cực đoan tại thủ phủ Aleppo của Syria, cậu thiếu niên Khalil hút một hơi thuốc dài khi được hỏi về chuyện quá khứ. Ở độ tuổi 14, cậu là học viên nhỏ tuổi nhất lớp nhưng đã trải qua không ít trải nghiệm kinh hoàng trên chiến trận.

Khalil cho biết, cậu đã bỏ nhà để gia nhập lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khoảng hơn 1 năm trước.

Tới thời điểm hiện tại, khi IS gần như đã bị quét sạch khỏi Syria, Khalil cùng nhiều cựu chiến binh khác đã được tập trung tại các lớp học tái hòa nhập xã hội. Khailil được xếp vào cựu binh "cấp 2" – tức là người từng chủ động gia nhập IS.

Khi được hỏi về lần đầu tiên cầm súng ra chiến trường, cậu tỏ ra ngượng ngùng và tránh ánh mắt của các phóng viên CNN.

Sau đó, Khalil gãi đầu và trả lời: "Thực sự cháu không có gì để nói. Cháu chỉ nghĩ là phải tiến lên phía trước, chiến đấu cảm tử. Ở chiến trường không có đường lui."

Tại trung tâm này, Khalil được giáo dưỡng cùng những cựu binh "cấp 3" – những chiến binh IS giàu kinh nghiệm chiến đấu, hầu hết là người ngoại quốc từ Đông Âu và châu Á.

Không còn IS, Thổ Nhĩ Kì - Syria hợp sức giúp trẻ em bị IS tẩy não tái hòa nhập xã hội - Ảnh 1.

Cậu thiếu niên 14 tuổi Khalil trong lớp học tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: CNN

Các lớp học được tổ chức trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt bởi Lực lượng Giải phóng Syria. Các giáo viên đứng lớp có trách nhiệm giúp học viên thay đổi tư tưởng bị IS tiêm nhiễm.

Trung tâm Chống Tư tưởng Cực đoan Syria mới được mở vài tuần trước. Các nhà hoạt động xã hội Syria đã mời nhiều học giả Hồi giáo, lãnh tụ tôn giáo, luật sư và các lãnh đạo cộng đồng tới để thuyết phục các tù binh IS từ bỏ tư tưởng cực đoan.

Theo các giáo viên, trung tâm này mang sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hậu IS ở Syria.

Ông Hussein Nasser, hiệu trưởng trung tâm cho biết: "Tư tưởng cực đoan của IS là thứ đặc biệt nguy hiểm. Chúng tôi rất muốn họ biết rằng, không có gì đáng quý hơn tự do và nhân quyền."

Hai anh trai của Khalil đã tham gia IS trước đó và hi sinh trên chiến trường. Những thiếu niên như Khalil thường bị đẩy lên tiền tuyến làm tấm bia đỡ đạn cho lực lượng chủ chốt IS. Ngay ngày đầu tiên ra trận, Khalil đã trúng đạn.

Tại trung tâm, các giáo viên giảng dạy về lịch sử Hồi giáo, đề cập tới những trận chiến tử vì đạo vào thế kỉ thứ 7, và hướng các học viên tới đạo Hồi được xây dựng trên nền tảng công lí và cùng nhau sống chan hòa.

Trẻ nhỏ xuất hiện trên thước phim truyền thông của IS. Nguồn: CBS News

Thông qua đó, họ hi vọng sẽ giúp các lớp học viên trở thành những người theo đạo Hồi một cách chân chính, và tái hòa nhập vào một xã hội khác xa vương triều Hồi giáo được xây dựng bởi IS.

Một giáo viên đề nghị giấu tên giảng: "Sau khi các em rời khỏi đây, hãy tự nhận thức mọi thứ. Đừng để bị lôi kéo, đừng cho phép kẻ xấu lợi dụng."

Bức tường địa chính trị

Việc giải trừ tư tưởng cực đoan là một phần của chiến trận. Thổ Nhĩ Kì muốn chứng tỏ với những người dân địa phương rằng sự có mặt của mình đã đem tới tiến triển cho tình hình khu vực.

Quanh thành phố Jarablus, dân số đã tăng mạnh hơn 3 lần, lên gần 70.000 người từ khi IS bị đẩy lui khỏi khu vực từ năm 2016. Nhiều người dân bị mất nhà cửa do chiến tranh đã đổ về thành phố trù phú này.

Tại các thị trấn từng bị IS kiểm soát, công cuộc tái thiết, xây dựng lại nhà cửa đang được triển khai. Vì IS sớm rút khỏi đây, nên thành phố Jarablus ít bị hủy hoại hơn nhiều phần khác của đất nước.

Thổ Nhĩ Kì đã cung cấp điện và nước cho thị trấn, trả lương cho lực lượng cảnh sát địa phương và xây dựng nhiều trường học. Nhiều trẻ em đã không được đi học trong hơn 6 năm.

Không còn IS, Thổ Nhĩ Kì - Syria hợp sức giúp trẻ em bị IS tẩy não tái hòa nhập xã hội - Ảnh 3.

Trẻ em Syria đi học lại sau hơn 6 năm rời trường lớp. Ảnh: CNN

Nền dân trí thấp chính là một trong các lợi thế giúp khủng bố IS truyền bá tư tưởng dễ dàng hơn giữa các cư dân, đặc biệt các thiếu niên như Khalil.

Trên thực tế, các hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kì đều nhằm đáp ứng các mối quan tâm cơ bản của quốc gia này. Thổ Nhĩ Kì muốn đặt vấn đề an ninh ở vùng biên giới với Syria lên mức cao nhất. Ankara cũng muốn tạo hành lang an toàn để hơn ba triệu dân tị nạn Syria hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kì hồi hương.

Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kì tin rằng sự đầu tư tái thiết các vùng này sẽ là rào chắn cản bước người Kurd ở Syria. Ankara luôn coi Đơn vị Huy động nhân dân (YPG), lực lượng nòng cốt của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn, là một tổ chức khủng bố.

YPG và Đảng Lao động người Kurd đã đòi độc lập từ Thổ Nhĩ Kì trong hơn ba thế kỉ qua và gây không ít rắc rối cho quốc gia này.

Không còn IS, Thổ Nhĩ Kì - Syria hợp sức giúp trẻ em bị IS tẩy não tái hòa nhập xã hội - Ảnh 4.

Những bức tường từng kín những dòng chữ truyền bá tư tưởng IS nay đã được sơn lại. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, tiến trình ở các thị trấn như Jarablus cũng chưa hoàn toàn được đảm bảo. Các thủ lĩnh địa phương lo ngại rằng chính sách hỗ trợ lực lượng SDF của Mỹ có thể sẽ tạo điều kiện để tư tưởng cực đoan trỗi dậy một lần nữa.

Những dòng chữ tuyên truyền về tư tưởng của IS đang dần được xóa sạch khỏi các bức tường ở thành phố Jarablus, thay thế bằng các bức hình nhiều màu sắc khắp các tòa nhà trong khu vực. Trẻ em từ khắp nơi cũng dần tập trung tại những ngôi trường mới thành lập.

Một trong các hiệu trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc củng cố tinh thần các em nhỏ trong việc đẩy lui sự sợ hãi chiến tranh. Trong xã hội mới, trẻ em sẽ được cười đùa nhiều hơn là phải sống trong nỗi sợ bom đạn.

Tuy nhiên, dù sao đi chăng nữa, những kí ức kinh hoàng về chủ nghĩa cực đoan và chiến tranh sẽ vẫn còn tiếp tục ám ảnh người dân Syria trong nhiều năm tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại