Hợp đồng, được gọi là "mẹ của tất cả những thỏa thuận quốc phòng dưới nước", do một hãng tàu của Ấn Độ hợp tác với Pháp, Đức, Nga, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Nhật Bản để tiến hành, có tên Kế hoạch 75.
Đây là dự án quy mô lớn đầu tiên trong chính sách "đối tác chiến lược" mới mà Bộ quốc phòng Ấn Độ thông báo hồi tháng 5.
Hải quân Ấn Độ muốn các tàu ngầm diesel-điện của mình có tên lửa hành trình tấn công các mục tiêu mặt đất, động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập (AIP) cùng khả năng tích hợp các vũ khí, cảm biến... do Ấn Độ phát triển về sau.
Theo các kế hoạch đã được phê chuẩn, Hải quân nước này sẽ sở hữu 18 tàu ngầm diesel-điện, 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, nhằm tạo thành mối uy hiếp hiệu quả chống lại Trung Quốc và Pakistan - Times of India cho hay.
Thỏa thuận quốc phòng mới được New Delhi khởi động giữa bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc leo thang ở cao nguyên Doklam (Bắc Kinh gọi là Donglang), thuộc vùng biên giới Sikkim giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.
Khoảng 300 binh sĩ của Trung Quốc và Ấn Độ đã ở vào trạng thái giằng co và chỉ đứng cách nhau khoảng 150m trong cuộc đối đầu kéo dài hơn 1 tháng qua. Bắc Kinh cáo buộc quân đội Ấn Độ "vượt biên" để ngăn cản nước này xây dựng một con đường, trong khi Ấn Độ và Bhutan khẳng định địa điểm này thuộc lãnh thổ Bhutan mà New Delhi có nghĩa vụ hỗ trợ bảo vệ theo hiệp ước ký với Thimpu.
Căng thẳng tiếp tục leo thang ngay cả khi Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, ông Ajit Doval sắp có chuyến công du Trung Quốc vào ngày mai (27/7) và có thể tiếp xúc Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì để thảo luận phương án hạ nhiệt cuộc đối đầu.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc tuyên bố ông Doval "là một trong những kẻ chủ mưu chính đằng sau cuộc giằng co ở biên giới giữa quân đội hai nước", và cảnh báo chuyến thăm của ông này sẽ không làm thay đổi lập trường của Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cảnh báo Ấn Độ "đừng thử vận may" khi đối đầu với quân đội Trung Quốc (Ảnh: AP)
Dù song phương đều không loại trừ khả năng tổ chức cuộc gặp giữa ông Doval và đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì, song các cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc đã cứng rắn tuyên bố Ấn Độ "nên từ bỏ ảo tưởng" vào việc dàn xếp căng thẳng theo cách mà New Delhi mong muốn.
Báo Hoàn Cầu cho rằng "đã đến lúc dạy lại cho Ấn Độ bài học lịch sử", khi đề cập cuộc chiến tranh biên giới 1962 mà phần thiệt hại nặng nề thuộc về Ấn Độ.
Đài truyền hình New Delhi hôm 18/7 đưa tin về tình hình mới nhất ở biên giới Trung-Ấn cho biết, các máy bay không người lái quan sát hiện trường vụ đối đầu đã chứng kiến khoảng 3.000 binh sĩ Trung Quốc được trang bị súng. Các quân nhân Trung Quốc tạo thành "bức tường người" kéo dài khoảng 1km.
Trong khi Ấn Độ kêu gọi đôi bên cùng rút lực lượng để mở đường cho đối thoại, Bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng điều kiện tiên quyết để đàm phán là Ấn Độ phải rút quân trước, còn Bộ quốc phòng Trung Quốc đe dọa quân đội nước này sẽ leo thang hoạt động tập trận, triển khai lực lượng tới khu vực cho đến khi New Delhi thỏa hiệp.
Tờ Bussines Insider bình luận, hy vọng Trung-Ấn có thể bàn thảo tìm ra cách chấm dứt đối đầu cũng như giữ được thể diện cho cả hai bên tại hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS (giữa nguyên thủ Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào đầu tháng 9 tới, trước khi hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân với tổng dân số gần 3 tỉ người kéo nhau vào chiến tranh.