Trên đường phố cả nước, rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ có tuổi thơ cơ cực. Thay vì được cha mẹ bảo bọc, được đến trường thì các em lại phải lo toan gánh nặng mưu sinh.
Ngày Quốc tế thiếu nhi có lẽ là khái niệm đầy mơ hồ với các bé. Những hình ảnh mưu sinh vất vả của những đứa trẻ còn non nớt khiến người xem không khỏi chạnh lòng...
Dọc khu vực chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM), người dân không còn xa lạ với hình ảnh bé Võ Ngọc Ân (5 tuổi), cứ mỗi sáng đều cùng bà nội đi bán vé số. Bé Ân khiến nhiều người ấn tượng ngay từ lần gặp đầu tiên bởi vì không có hai tay như người khác.
Hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ bé Ân đã theo bà lên Sài Gòn mưu sinh. Trước kia bà bán bánh, từ khi Ân biết đi thì cũng tự theo bà đi bán vé số từ 4h sáng.
Cô bé khiến ai cũng mến vì sự dễ thương, lanh lẹ, đôi khi có phần "cụ non". Mọi người thương hay gọi là Nhí, bởi vì từ khi sinh ra, cô bé chỉ nặng đúng 1,7 ký.
Ở ngã tư Chợ Đình (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), cậu bé Đặng Hoàng Linh (9 tuổi) cũng hải phụ mẹ bán vé số từ nhỏ. Linh có người bạn đồng hành đặc biệt là chú chó nâu tên Milo. Mỗi ngày đi bán, cậu đều dắt theo người bạn bốn chân này. Bán đến chiều, Linh đến lớp học tình thương. Việc đi học của cậu bé cũng nhiều gian truân do lớp ở xa nhà, phải đi quá giang xe đạp của bạn.
Tương tự, trên đường phố thị xã Tân An (Long An), cậu bé Nguyễn Thanh Tâm (7 tuổi) cũng theo bà ngoại Nguyễn Thị Lệ (65 tuổi) đi bán vé số. Hiện tại, Tâm vẫn chưa được đến trường do hoàn cảnh khó khăn. Mỗi ngày đi bán, hai bà cháu đều kéo theo chiếc xe tự chế có em gái 6 tháng tuổi của Tâm nằm trong đó. Theo lời bà Lệ, mẹ của Tâm đã bỏ đi vì mẫu thuẫn gia đình, để các con cho bà nuôi.
Hình ảnh bà mẹ chở theo 3 người con trai đi thu gom rác đã trở nên quen thuộc với người dân ở các khu vực đường D1, chợ Văn Thánh, cư xá 304 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Ba người con trai của chị Phạm Thị Ngọc Thủy (37 tuổi, TP.HCM), đứa lớn nhất mới 14 tuổi, nhỏ nhất 7 tuổi đều trong tình trạng nghỉ học, theo mẹ đi thu gom rác.
Những đứa trẻ dường như biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình, sự vất vả của mẹ nên rất chăm chỉ làm việc và dù mệt nhọc nhưng rất vô tư, hồn nhiên.
Tại công viên 30/4, cạnh nhà thờ Đức Bà (Q.1, TP.HCM) là nơi mưu sinh của hai mẹ con bé Nguyễn Thị Như Quỳnh (10 tuổi) với công việc bán nước giải khách cho du khách.
Thời gian rảnh, ít khách thì Quỳnh lấy vở ra học hoặc tập vẽ.
Có những đứa trẻ còn rất nhỏ nhưng cũng đã theo mẹ kiếm miếng cơm. Ở công viên 30/4, hơn 3 tháng nay, chị Lê Thị Tư (quê Huế) đều mang địu theo bé Gia Bảo (13 tháng tuổi) đi bán hàng rong những bịch cóc, xoài, trứng cút... Chị Tư chia sẻ, rất muốn để bé ở nhà, tránh ra đường nhiều nắng gió. Nhưng sau một thời gian không đi làm vì phải sinh con, cuộc sống hai vợ chồng nhiều khó khăn nên chị phải đi bán hàng tiếp.
Cũng theo mẹ mưu sinh là bé Nguyễn Thị Yến Nhi (8 tuổi). Nhi đang theo học trường Ánh Sáng (Q.3), đến chiều sau giờ học thì cô bé được mẹ đón về nơi mẹ bán sách tử vi ở trên cầu Công Lý (Q.Phú Nhuận). Khoảng thời gian này cũng là lúc Nhi được mẹ ôn tập lại bài vở rồi cùng mẹ bán hàng đến tối mới về phòng trọ.
Ở góc đường Phạm Ngũ Lão - Điện Biên Phủ (Q.3,TP.HCM), cậu bé Nguyễn Thanh Tuấn (3 tuổi) thay vì ở nhà với cha mẹ thì lại theo ông bà ra vỉa hè bán bột chiên. Dù nhỏ xíu, nhưng Tuấn cũng biết phục vụ khách đến ăn.
Tuấn là một đứa bé đáng thương khi em bị chính cha ruột và họ hàng bên nội chối bỏ, mẹ Tuấn vì không chịu được cảnh nuôi con một mình nên cũng đã bỏ mặc Tuấn cho ông bà ngoại nuôi khi em tròn 1 tuổi. Từ đó, hàng ngày Tuấn đều phải theo ông bà đi bán bột chiên đến tận 1,2h khuya để kiếm sống qua ngày.
Ở khu vực đồi cát Mũi Né (Bình Thuận) có rất nhiều đứa trẻ bươn chải trên đồi cát với dịch vụ trượt cát. Cái nắng gió làm các em đen xạm, gầy gò. Em Nguyễn Minh Nhật (11 tuổi, ngụ H.Ham Thuận Bắc, Bình Thuận) thường ngày sau giờ học đều cầm ván trượt ra đồi cát bay cho du khách trượt cát, với tiền công mỗi lần thuê trượt là 10 - 15 ngàn. Những ngày nghỉ hè, Nhật phải đi làm công việc này cả ngày.
Tương tự, em Lê Hoàng Nhật Nam (8 tuổi) cũng có "thâm niên" 2 năm với công việc này. "Ngày hè em làm từ sáng đến chiều, thời gian còn lại ở nhà phụ mẹ nhặt cá. Em muốn xuống thành phố chơi để được đi ăn gà rán lắm mà chưa có dịp", Nam chia sẻ.
Còn tại phố cổ Hội An (Quảng Nam), nhiều trẻ em khác cũng mưu sinh với công việc bán đèn hoa đăng ngay bên bờ sông Hoài vào mỗi tối.
Tuy nhiên dù vất vả lại thiếu thốn tình thương cha mẹ nhưng các em vẫn giữ được nét hồn nhiên của tuổi thơ. Mỗi em mỗi hoàn cảnh nhưng đều có những ước mơ về một cuộc tốt đẹp hơn.