1. Dưới con mắt của một nhà nghiên cứu, ăn vạ trong bóng đá là cả một nghệ thuật. E. Paul Zehr, một giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Victoria - Canada, sau một thời gian dài tìm hiểu đã đưa ra kết luận: có 3 kiểu ăn vạ phổ biến trong giới cầu thủ.
Kiểu thứ nhất, ông đặt tên là "Trung đội". Đó là vì khi áp dụng hình thức này, cầu thủ sẽ ôm đầu giống như William Defoe bị bắn trong phim "Trung đội". Kế đến là "Vạch đích", bởi kẻ ăn vạ sẽ ngã về phía trước với bộ ngực ưỡn ra như thể các vận động viên điền kinh khi về đích. Cuối cùng là "Belly Flop", thuật ngữ trong bơi lội, nói về một cú nhảy vụng về, gần như nằm ngang và để bụng đập xuống mặt nước.
Tuy nhiên, trường hợp của Neymar đã khiến giáo sư Paul Zehr bối rối. Hành động ngả về sau, hai tay chới với rồi ngã ngửa xuống mặt đất trong trận đấu với Costa Rica của ngôi sao người Brazil không thuộc bất kỳ trường hợp nào mà ông đã liệt kê.
"Thành thật mà nói, tôi chưa từng hình dung ra kiểu ngã này", Paul Zehr cho biết, "Rất hiếm khi được chứng kiến điều gì tương tự. Neymar quả thực rất sáng tạo. Tôi tạm gọi kiểu này là Đốn củi, bởi về cơ bản, nó khá giống với một khúc gỗ bị chặt hạ và đổ về sau".
2. Tối qua, vị giáo sư khả kính người Canada hẳn sẽ đau đầu thêm lần nữa. Sự sáng tạo của Neymar là không giới hạn để nâng tầm khả năng ăn vạ lên cấp độ mới.
Đó là khi anh ta đang nằm sân và Miguel Layun của Mexico tiến lại nhặt bóng, sau đó khẽ đè lên cổ chân của Neymar. Chỉ chờ có thế, tiền đạo 26 tuổi lăn lộn trên sân, đồng thời vừa ôm… ống đồng, vừa kêu la thảm thiết. Cảm tưởng như khi ấy, 45 ngàn khán giả có mặt tại Cosmos Arena có thể nghe rõ mồn một những tiếng rên rỉ của anh ta.
Một màn diễn được dàn dựng công phu, với sự hỗ trợ nhiệt tình đến từ các nhân viên y tế, chỉ tiếc là giống như trận đấu với Costa Rica, trọng tài không tin Neymar. Và anh thất vọng đứng dậy, tiếp tục chạy như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Cựu danh thủ Gary Lineker mỉa mai rằng: "Neymar là cầu thủ chịu đau kém nhất World Cup kể từ khi có thống kê". Nhiều người hâm mộ trên mạng xã hội đều nhất trí, ngôi sao của PSG nên được trao tượng vàng Oscar vì khả năng diễn xuất bậc thầy.
Nhưng đồng thời với những trò hề, cầu thủ đắt giá nhất thế giới cũng tạo ra những khoảnh khắc chói sáng. Trước Mexico, anh là người thiết lập nhiều cơ hội nguy hiểm nhất (5) và tham gia vào cả 2 tình huống làm bàn. Một là pha đánh gót cho Willian, chạy chỗ và đón đường chuyền và đệm bóng cận thành. Một là cú dứt điểm bị Ochoa cản phá, dẫn đến bàn nhân đôi cách biệt của Roberto Firmino.
3. Rốt cuộc, Neymar đáng yêu hay đáng ghét, thiên tài hay kịch sỹ?
Thật ra thì bóng đá đẹp chỉ tồn tại trong mộng tưởng. Vào thời đại ngày nay, áp lực chiến thắng quá lớn để không bao giờ có chỗ cho sự ngây thơ. Một nhà vô địch ngoài tài năng cần có thêm một chút mưu mẹo và ma mãnh.
Hãy nhớ lại, Đức đã đánh bại Argentina trong trận chung kết World Cup 1990 nhờ vào pha ngã vờ của Juergen Klinsmann, nhờ đó kiếm về quả phạt đền quyết định. Xứ sở tango cũng khó có thể phàn nàn bởi 4 năm trước đó, họ lên ngôi một phần từ bàn thắng bằng tay của Diego Maradona vào lưới tuyển Anh.
Người Brazil, mặc dù luôn được biết đến bởi thứ bóng đá quyến rũ gọi là Jogo Bonito, nhưng nhiều năm trở lại đây, họ đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức. Selecao không nhất thiết phải chơi đẹp nếu giành chiến thắng.
World Cup 1994 họ đăng quang nhờ chiến thuật thực dụng. Chung kết World Cup 2002, họ vô địch lần thứ 5 với hình ảnh xấu xí của Rivaldo, người ăn vạ trắng trợn, ôm mặt lăn lộn trong khi bóng đập vào chân, khiến Hakan Unsal của Thổ Nhĩ Kỳ bị đuổi. Trận mở màn World Cup 2014, Brazil cũng vượt qua Croatia ở trận mở màn với một trong ba bàn thắng được ghi trên chấm phạt đền, nhờ pha ngã vờ của Fred.
"Chúng ta cần chơi đẹp hay muốn giành chiến thắng?", câu hỏi này lại được đặt ra sau thất bại ô nhục 1-7 trước Đức. Tại giải đấu lần này, Brazil phải biến giấc mơ thành hiện thực bằng mọi giá, vô địch bằng mọi giá. Chiến thắng sẽ tha thứ cho tất cả, kể cả những pha ăn vạ hay ngã vờ.
Vậy thì cứ diễn đi Neymar, dù chỉ ở Brazil người ta mới tin anh bị đau mỗi khi ngã xuống.