Không chỉ Trung Quốc, còn một quốc gia châu Á khác được dự báo sẽ ‘đánh bại’ Nhật, Đức,... thậm chí cả Mỹ để bước lên top đầu hàng ngũ siêu cường

Thùy Bảo |

Goldman Sachs dự đoán quốc gia châu Á này đã sẵn sàng trở thành nền kinh tế top 2 thế giới vào năm 2075.

Không chỉ Trung Quốc, còn một quốc gia châu Á khác được dự báo sẽ ‘đánh bại’ Nhật, Đức,... thậm chí cả Mỹ để bước lên top đầu hàng ngũ siêu cường - Ảnh 1.

Ấn Độ dự kiến vươn lên top 2 kinh tế thế giới

Hiện tại, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, đứng sau Đức, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. CNBC đưa tin, một báo cáo gần đây của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs chỉ ra rằng ngoài yếu tố dân số đứng đầu thế giới, Ấn Độ cũng đang có nhiều tiến bộ về đổi mới, công nghệ cũng như hoạt động đầu tư và năng suất lao động tăng mạnh mẽ.

“Trong khoảng hai thập kỷ tới, tỷ lệ phụ thuộc của Ấn Độ sẽ ở trong số thấp nhất khu vực”, Santanu Sengupta - nhà kinh tế học về Ấn Độ tại Goldman Sachs cho biết. Đây là thước đo tỷ lệ tổng số dân có độ tuổi phụ thuộc từ 0-14 tuổi và trên 65 tuổi so với tổng dân có độ tuổi từ 15-64. Tỷ lệ phụ thuộc thấp cho thấy quốc gia này có nhiều người trưởng thành trong độ tuổi lao động.

Không chỉ Trung Quốc, còn một quốc gia châu Á khác được dự báo sẽ ‘đánh bại’ Nhật, Đức,... thậm chí cả Mỹ để bước lên top đầu hàng ngũ siêu cường - Ảnh 2.

Dự báo GDP năm 2075 (nghìn tỷ USD)

Sengupta cũng nói thêm để tối ưu hóa lợi thế dân số tăng nhanh, chìa khóa của Ấn Độ lúc này là thúc đẩy người dân tham gia vào lực lượng lao động. Ông cũng dự báo trong vòng 20 năm tới, tỷ lệ phụ thuộc của Ấn Độ sẽ nằm trong nhóm thấp nhất so với các nền kinh tế lớn.

“Vì vậy, đó thực sự là cơ hội để Ấn Độ đạt được những mục tiêu về năng lực sản xuất, tiếp tục phát triển dịch vụ và cơ sở hạ tầng”, vị chuyên gia nhấn mạnh. Ngoài ra, theo CNBC, chính phủ nước này cũng đặc biệt ưu tiên việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thiết lập hệ thống đường bộ và đường sắt.

Goldman Sachs cũng khẳng định đây là thời điểm thích hợp để khu vực tư nhân ở Ấn Độ đẩy mạnh sản xuất và dịch vụ nhằm tạo thêm việc làm và thu hút nhiều lực lượng lao động lớn.

Công nghệ và đầu tư

Công nghệ và vốn đầu tư cũng là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của Ấn Độ. Cụ thể, Goldman Sachs cho biết sự tiến bộ về công nghệ và đổi mới sẽ ảnh hưởng tới quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của nước này. Bên cạnh đó, vốn đầu tư cũng là một yếu tố không thể thiếu.

Không chỉ Trung Quốc, còn một quốc gia châu Á khác được dự báo sẽ ‘đánh bại’ Nhật, Đức,... thậm chí cả Mỹ để bước lên top đầu hàng ngũ siêu cường - Ảnh 3.

Theo Nasscom - Hiệp hội Thương mại phi chính phủ của Ấn Độ, doanh thu ngành công nghệ cả nước dự kiến sẽ tăng thêm 245 tỷ USD vào cuối năm 2023.

Báo cáo của Nasscom cũng chỉ ra sự tăng trưởng đó sẽ đến từ lĩnh vực công nghệ thông tin, quản lý quy trình kinh doanh và phần mềm. Ngoài ra, Goldman Sachs cũng nhận định: “Tỷ lệ tiết kiệm của Ấn Độ có khả năng tăng lên, tỷ lệ phụ thuộc giảm, thu nhập tăng cũng như lĩnh vực tài chính phát triển hơn. Điều này có thể thúc đẩy đầu tư hơn nữa”.

Tồn tại rủi ro

Mặt khác, dự báo của Goldman Sachs về kinh tế Ấn Độ vẫn tồn tại nhiều rủi ro. Liệu rằng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nước này có tăng theo tốc độ mà ngân hàng đã dự đoán hay không?

Bởi báo cáo cũng lưu ý rằng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Ấn Độ đã giảm trong 15 năm qua. Tỷ lệ tham gia của phụ nữ cũng thấp hơn đáng kể so với nam giới.

Cụ thể, chỉ có khoảng 20% phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Ấn Độ đang có việc làm. Nhiều người cho rằng nguyên nhân là bởi họ chỉ làm những công việc nhỏ lẻ nên chưa được ước tính thành việc làm chính thức.

Không chỉ Trung Quốc, còn một quốc gia châu Á khác được dự báo sẽ ‘đánh bại’ Nhật, Đức,... thậm chí cả Mỹ để bước lên top đầu hàng ngũ siêu cường - Ảnh 4.

Chưa hết, xuất khẩu ròng cũng là một rào cản đối với sự tăng trưởng của Ấn Độ - do nước này đang phải đối mặt với thực trạng thâm hụt tài khoản vãng lai. Tuy nhiên, Goldman Sachs chỉ ra hoạt động xuất khẩu dịch vụ đã và đang giúp giảm bớt thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của ngân hàng, kinh tế Ấn Độ được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước, không giống như nhiều nền kinh tế khác phụ thuộc vào xuất khẩu. Được biết, khoảng 60% tăng trưởng của Ấn Độ chủ yếu đến từ tiêu dùng và đầu tư trong nước.

Năm ngoái, S&P Global và Morgan Stanley từng dự đoán Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030.

Theo CNBC, GDP quý I của Ấn Độ đã tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa dự đoán 5% của Reuters. Tăng trưởng cả năm của nước này được dự báo sẽ đạt 7,2%.

Tham khảo CNBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại