Dựng hình ảnh lãnh đạo đa tài
Sau tiệc kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng Á Châu (ACB), màn thể hiện âm nhạc, vũ đạo của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy gây “sốt” mạng xã hội. Từ khóa “Trần Hùng Huy” có thời điểm đứng đầu top xu hướng của công cụ tìm kiếm Google. Từ khóa “ACB” cũng đứng ở vị trí thứ 3. Theo thống kê của nền tảng Younetmedia, đến hôm nay (7/6), chủ đề Gala kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng ACB vẫn ở vị trí thứ 2 trong danh sách các vấn đề hot nhất mạng xã hội.
Khả năng đàn, hát, nhảy khi trình diễn 1 bài hát Always remember us this way và "Cô đơn trên sofa" của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy gây bão mạng xã hội. Màn trình diễn dưới mưa được dàn dựng công phu, có phần khoe cơ thể, vũ đạo nhuần nhuyễn đòi hỏi đầu tư thời gian, công sức nghiêm túc. Qua phần trình diễn, Chủ tịch ACB được công chúng ưu ái gọi là soái ca, tổng tài.
Trước đó, tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập ACB, Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy cũng đã xuất hiện trên sân khấu và hát một loạt “hit” đình đám thời điểm đó như “Ngày mai em đi”, “Uptown Funk”, “Attention”…
Không chỉ Chủ tịch ACB, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trước đây cũng từng gây “sốt” với cộng đồng mạng nhờ chịu khó hát và nhảy. Tập đoàn FPT có Chủ tịch Trương Gia Bình và ban lãnh đạo thường xuyên thể hiện giọng hát trong các sự kiện đặc biệt. Tại lễ vinh danh top 100 FPT 2022, thay cho diễn văn chào mừng, chủ tịch Trương Gia Bình thể hiện ca khúc “Đôi bờ” được viết lại lời riêng cho sự kiện. Các hoạt động văn hóa được coi như “đặc sản” tại FPT.
Tại tập đoàn FPT, chủ tịch Trương Gia Bình và ban lãnh đạo thường xuyên thể hiện giọng hát trong các sự kiện đặc biệt.
Hay “ông chú” Viettel Lê Đăng Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Viettel) cũng từng gây sốt với những màn song ca cùng ca sĩ nổi tiếng như Đan Trường, Sơn Tùng M-TP.
Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải cũng nhiều lần gây chú ý khi xuất hiện cùng cây đàn, say sưa ca hát. Hình ảnh khác lạ, gần gũi của các doanh nghiệp khiến công chúng vừa tò mò, vừa thích thú.
Tính toán bài bản để tạo "sóng”?
Ths. Đặng Thanh Vân - chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu - nhận định, ưu điểm rõ ràng của sự kiện kỷ niệm ACB là kịch bản chương trình chỉn chu, trang phục đen trắng, màn cởi áo, cách sắp đặt sân khấu với nước, lựa chọn ca khúc… cho thấy có sự tính toán bài bản để tạo "sóng”.
Chân dung lãnh đạo được truyền thông rõ ràng, xuyên suốt qua mạng xã hội từ trước, hỗ trợ cho thông điệp của sự kiện. Câu chuyện thương hiệu trong sự kiện lần này phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu mới của ACB, là những gói sản phẩm mới ra mắt cho giới trẻ, kinh doanh mạng.
Sau sự kiện kỷ niệm, từ khóa “Trần Hùng Huy” có thời điểm đứng đầu top xu hướng của Google
Chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn nhận định, tại Việt Nam, những năm gần đây, xu hướng giải trí hóa truyền thông trong lĩnh vực tài chính ngày càng phổ biến. Nhiều ngân hàng xây dựng hình tượng những người tư vấn quan điểm, có sức ảnh hưởng đến một cộng đồng nhất định (KOL).
“Thương hiệu doanh nghiệp được gác lên đôi cánh của KOL, lợi hay hại thì phải qua thời gian nhất định mới có câu trả lời. Trước mắt, KOL giúp thu hút đám đông, tạo hiệu ứng lan tỏa để truyền thông”, ông Sơn phân tích.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, về chiến lược, việc lựa chọn KOL, giải trí hóa truyền thông ngân hàng cũng tồn tại rủi ro nhất định. Ông Sơn đặt vấn đề: “Chất giải trí liệu có hợp với ngành tài chính, đặc biệt ở hình ảnh lãnh đạo. Lãnh đạo ngân hàng được đánh bóng như ngôi sao giải trí, xa rời ngành nghề kinh doanh cốt lõi, với các vấn đề được quan tâm là dịch vụ, quyền lợi khách hàng, cổ đông... Khách hàng, đối tác sẽ đặt câu hỏi về vai trò của vị lãnh đạo này”.
Lựa chọn chiến lược giải trí hóa thông điệp có lợi thế dễ tiếp cận công chúng, tạo “sóng”. Tuy nhiên, tác dụng phụ là công chúng nhanh quên khi cơn vui tan biến.